Sân khấu kịch trong "cơn bão" đại dịch: Khó khăn nhưng vẫn nhiều điểm sáng

PV-Chủ nhật, ngày 12/12/2021 06:28 GMT+7

VTV.vn - Bất chấp những khó khăn vì dịch bệnh, sân khấu kịch nói năm qua vẫn có những điểm sáng hiếm hoi, cho thấy nỗ lực của các nghệ sĩ trong việc phát triển loại hình này.

Tương tự nhiều ngành nghề, lĩnh vực khác, sân khấu kịch nói - vốn đứng trước muôn vàn khó khăn thử thách - trong năm 2021, loại hình nghệ thuật này tiếp tục chịu tác động lớn. Theo đánh giá của ông Trần Hướng Dương - Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, đây là thời điểm rất khó khăn với nghệ thuật sân khấu. Nhiều sân khấu đa phần phải đóng cửa, tạm dừng hoạt động vì dịch bệnh COVID-19.

Sân khấu kịch trong cơn bão đại dịch: Khó khăn nhưng vẫn nhiều điểm sáng - Ảnh 1.

Ông Trần Hướng Dương - Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn

Năm 2021 còn là thời điểm kỷ niệm 100 năm sân khấu kịch nói Việt Nam (1921-2021). Để kỷ niệm dấu mốc quan trọng này, Hội Nghệ sỹ sân khấu Việt Nam phối hợp với Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch đã tổ chức tuần lễ kỷ niệm 100 năm sân khấu kịch nói Việt Nam. Trong khuôn khổ Tuần lễ kỷ niệm, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam đã công diễn vở Chén thuốc độc (tác giả: Vũ Vũ Đình Long, đạo diễn: Bùi Như Lai).

Bên cạnh đó, nhiều vở kịch nói nổi tiếng, được khán giả yêu mến cũng được công diễn trong dịp này như: Người tốt nhà số 5 (tác giả: Lưu Quang Vũ; đạo diễn NSƯT Tạ Minh Tuấn); vở Ai là thủ phạm (tác giả: Lưu Quang Vũ; đạo diễn: NSƯT Chí Trung); Bạch đàn liễu (tác giả: Xuân Trình, đạo diễn: NSƯT Trần Lực); Phải có ba đồng (tác giả: Bùi Vũ Minh; đạo diễn: NSND Lê Hùng).

Ngoài ra, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam sẽ tổ chức Hội thảo "100 năm hình thành và phát triển nghệ thuật sân khấu kịch Việt Nam – Những vấn đề đặt ra, định hướng và phát triển"; Gala "Tinh hoa hội tụ 100 năm Sân khấu Kịch nói Việt Nam" do Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam và Hội Nghệ sĩ Sân khấu TP Hồ Chí Minh tổ chức.

Đặc biệt, một trong những điểm sáng của nghệ thuật sân khấu kịch trong năm qua là sự kiện Liên hoan Sân khấu kịch toàn quốc 2021 được tổ chức tại Hải Phòng. Đây là hoạt động định kỳ, nhằm phát hiện những tìm tòi sáng tạo mới trong lao động nghệ thuật, phương pháp sáng tạo, từ đó tìm ra các giải pháp và phương thức hoạt động phù hợp với chức năng nhiệm vụ, điều kiện thực tế của mỗi đơn vị. Tham dự Liên hoan tại thành phố Hải Phòng lần này có 14 đơn vị, 20 vở diễn với hơn 600 nghệ sĩ, diễn viên của các đơn vị nghệ thuật Trung ương và địa phương. Các đơn vị, diễn viên và nghệ sĩ tham gia đã nỗ lực vượt qua khó khăn khi đại dịch COVID-19 hoành hành.

Sân khấu kịch trong cơn bão đại dịch: Khó khăn nhưng vẫn nhiều điểm sáng - Ảnh 2.

"Một điều đáng tiếc là trong giai đoạn dịch bệnh nên hạn chế khán giả đến xem. Nếu không thì tôi dám chắc Liên hoan Sân khấu kịch toàn quốc vừa qua sẽ là ấn tượng khó phai đối với những khán giả tại thành phố Hải Phòng. Mỗi đoàn kịch đã mang đến những tác phẩm phù hợp với không khí thời đại", NSƯT Xuân Bắc - Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam chia sẻ.

NSƯT Xuân Bắc cho biết, trong "cơn bão" đại dịch, anh và đồng nghiệp cũng phải đối mặt với không ít trở ngại để mang đến những tác phẩm chất lượng gửi tới công chúng.

"Sáng tạo nghệ thuật phải có cảm hứng, bên cạnh cảm xúc. Cảm hứng ấy trong dịch bệnh được chúng tôi gọi kiểu đang vui thì đứt dây đàn" - NSƯT Xuân Bắc nói tiếp - "Khởi động được vài ngày thì có lệnh giãn cách, chúng tôi lại co gọn, thậm chí nghỉ hẳn không tập luyện nữa. Chúng tôi vẫn duy trì làm việc online, bàn những vấn đề liên quan đến sáng tạo như phục trang, trang trí, âm nhạc. Nhưng không thể tập online được. Đôi khi cần phải tập trung cả ê-kíp thì phải tập từng nhóm nhỏ. Điều đó làm mất đi nguồn cảm hứng".

"Tuy nhiên, tôi luôn nói với đồng nghiệp rằng điều chúng ta đang làm là điều nên làm và phải làm. Khi xác định như vậy, mọi khó khăn sẽ thành động lực, khiến tất cả các thành viên trong Nhà hát Kịch Việt Nam có sức mạnh đoàn kết. Hơn nữa, với những đơn vị hàng đầu như Nhà hát Kịch Việt Nam, chúng tôi có trách nhiệm mang đến những tác phẩm tốt nhất để cùng với những đơn vị bạn, chúng ta cùng nhìn về những định hướng sắp tới nghệ thuật sân khấu kịch sẽ đi tới đâu, làm gì để phát triển nghệ thuật này".

Sân khấu kịch trong cơn bão đại dịch: Khó khăn nhưng vẫn nhiều điểm sáng - Ảnh 3.

Nghệ sĩ Xuân Bắc nhận định, một trong những điểm đặc biệt ở nhiều sân khấu kịch thời gian qua là sự nở rộ của những tài năng trẻ, trong nhiều vị trí khác nhau như thiết kế mỹ thuật, âm thanh hay đối tượng trung tâm trên sân khấu là diễn viên trẻ.

"Với sức sáng tạo của các bạn trẻ, nhiều người cảm thấy ngưỡng mộ. Có những nam diễn viên diễn những vở lịch sử, kịch bản dày ngồn ngộn nhưng vẫn thả câu nào đúng câu đấy. Thậm chí, có bạn còn biết cách lập biểu đồ diễn xuất, điều mà không phải ai cũng làm được. Lập biểu đồ diễn xuất là sự nhạy cảm, diễn viên phải biết chi phối cảm xúc, năng lượng diễn xuất từ đầu đến cuối vở diễn, lúc nào phải bùng nổ, lúc nào cần phải nói câu gì và như thế nào… Những điều đó chỉ có cảm nhận, không dạy được…", NSƯT Xuân Bắc chia sẻ.

"Không chỉ diễn viên, còn có những đạo diễn trẻ. Ở đây, họ không phải trẻ về tuổi đời mà là tuổi nghề. Họ đưa ra những góc nhìn mới. Có những đạo diễn không còn trẻ nhưng đưa ra những góc nhìn tiếp cận góc nhìn trẻ. Điều đó cho thấy sự giao thoa giữa thệ hệ không bị ngăn cách, sự nỗ lực hết mực để tiếp cận khán giả".

"Làm nghệ thuật không làm thay nhau được, làm nghệ thuật không làm dở mà nói hay được. Mọi thứ đều bày ra, khán giả công tâm đánh giá ở cảm xúc, còn những người làm nghề công tâm đánh giá ở hai mảng là cảm xúc và nghệ thuật. Khi tác phẩm đỉnh cao thì nó hòa quyện giữa nghệ thuật và cảm xúc, trở thành tác phẩm đầy đủ về nội dung và hình thức".

Ngoài ra, Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam còn nhắc tới một yếu tố khác cần cho sự phát triển ở thời điểm hiện tại nói riêng và trong tương lai nói chung, đó là công nghệ. Thực tế, thời gian qua, để thích ứng với nhịp sống bình thường mới, hàng loạt chương trình nghệ thuật đã được dàn dựng và biểu diễn trên các nền tảng số, mở ra lối đi mới cho nghệ thuật sân khấu. Nghệ thuật trực tuyến không chỉ còn là một giải pháp tình thế mà có thể trở thành một phương thức song hành với sân khấu trực tiếp, có tính chất lâu dài như một kênh thu hút khán giả. Thông qua hình thức mới, khán giả có cơ hội được thưởng thức những món ăn tinh thần phong phú từ dòng bác học, cổ điển, truyền thống và đương đại…, còn nghệ sĩ thì vơi đi nỗi nhớ nghề sau một thời gian dài sân khấu không thể sáng đèn.

Hiện tại, ngay khi dịch được kiểm soát, nhiều đơn vị nghệ thuật biểu diễn đã khẩn trương lên kế hoạch dàn dựng vở mới. Hàng chục vở diễn đang được tích cực chuẩn bị sẵn sàng phục vụ khán giả dịp Giáng sinh và chào đón năm mới… Các đơn vị nghệ thuật đã chuẩn bị tâm thế sẵn sàng vượt khó, sẵn sàng thích ứng trong bối cảnh đại dịch COVID-19 còn kéo dài.

Cùng lắng nghe chia sẻ của các nghệ sĩ về sân khấu trong chương trình Không gian văn hóa nghệ thuật dưới đây:

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước