Tầm nhìn mới để di sản không chỉ là phần nối dài của quá khứ

Ban Thời sự-Thứ hai, ngày 01/05/2023 14:01 GMT+7

VTV.vn - Các chuyên gia cũng nhấn mạnh phải hài hòa giữa giá trị truyền thống và đương đại trong bảo tồn di tích.

Sự kiện trụ sở Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia, lần đầu tiên mở cửa cho du khách thăm quan trong hai ngày qua đã đem đến cảm xúc hào hứng cho nhiều người. Tour du lịch mới này không chỉ mang lại hình ảnh một thành phố thân thiện hiếu khách mà còn là ví dụ sinh động về cách nghĩ mới, cách làm mới đối với di tích. Thời gian qua, nhiều địa phương đã có động thái như vậy, như tại Đà Nẵng mới đây đã triển khai các dự án di rời lớn để trả lại không gian cho di tích, trả ký ức về cho đô thị, được người dân đồng tình, hoan nghênh.

Cách đây ít lâu, tại Hải Phòng đã phát lộ bãi cọc quý 1.000 năm tuổi tại cánh đồng Cao Quỳ, xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên. Ngay lập tức, thành phố Hải Phòng đã triển khai dự án khu bảo tồn bãi cọc Cao Quỳ vốn đầu tư gần 430 tỷ đồng. Hải Phòng cũng là địa phương có nhiều mô hình tiêu biểu trong hợp tác công tư, cũng như quản lý di tích văn minh. Điển hình như khu di tích lịch sử Bạch Đằng giang với mô hình 3 không.

Nhìn lại năm 2019, riêng 8 di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới ở Việt Nam đã thu hút khoảng hơn 21 triệu khách du lịch, trong đó có hơn một nửa là khách quốc tế, với doanh thu hơn 3.000 tỷ đồng. Con số này cho thấy khi có tầm nhìn đúng, việc đầu tư cho bảo tồn di sản văn hóa đã tạo ra động lực thực sự cho phát triển du lịch. Các di sản văn hóa thế giới ở Việt Nam hiện cũng đang đi đầu trong ứng dụng chuyển đổi số, phát huy vai trò của người dân cũng như thiết kế các sản phẩm du lịch mới, đánh thức những giá trị còn tiềm ẩn của di sản.

Trong một hội thảo mới đây, các chuyên gia cũng nhấn mạnh phải hài hòa giữa giá trị truyền thống và đương đại trong bảo tồn di tích. Nếu không có tầm nhìn tổng thể, các di sản sẽ chỉ là phần nối dài của quá khứ. Bên cạnh tăng nguồn lực đầu tư, hoàn thiện chính sách thì cần khuyến khích hình thức hợp tác công tư trong bảo tồn di tích, trong đó có sự tham gia của cơ quan quản lý, nhà khoa học, cộng đồng dân cư địa phương và các doanh nghiệp kinh doanh du lịch. Có như vậy, các di sản văn hóa mới phát huy được vai trò sức mạnh mềm trong chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước