Gia đình được ví như tổ ấm nhưng với một số người, đây như là địa ngục, nơi họ bị đối xử bằng bạo lực, chịu nỗi đau về thể xác và tinh thần. Với màu cam là biểu tượng, Tháng Hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới sẽ diễn ra từ ngày 15/11 - 15/12.
Nhiều nạn nhân bị bạo hành còn phải đối mặt với những cảm xúc tiêu cực trong thời gian rất lâu và có thể mắc các bệnh tâm thần như trầm cảm hoặc rối loạn lo âu. Nhiều nạn nhân của bạo lực trong gia đình không nhận ra mình bị bạo lực hay thậm chí nhận ra nhưng lại chọn cách im lặng, che giấu, chịu đựng và sống trong thời gian dài.
Chì chiết, chửi mắng là bạo lực. Im lặng, cô lập đối phương cũng là bạo lực. Những hành động dẫn đến những tổn hại về sức khỏe tâm lý và thân thể với người bạn đời của mình đều là bạo lực gia đình. Nhiều người bị bạo lực tinh thần mà không nhận ra. Cũng có nhiều người còn xem nhẹ dạng bạo lực này và im lặng không phản kháng. Chính vì vậy, bạo lực thường có xu hướng leo thang.
Liên tiếp các vụ bạo lực gia đình trong những ngày vừa qua gây xôn xao dư luận. Theo thống kê của Tổng cục Thống kê và Liên hợp quốc, có đến 58% số phụ nữ Việt Nam cho biết mình từng là nạn nhân của ít nhất một trong ba hình thức bạo hành trong đời sống vợ chồng, là bạo hành thể xác, tình dục và tinh thần. Đáng ngại là trong số này, khoảng một nửa số nạn nhân chưa từng nói với ai về tình trạng bạo lực mà họ phải chịu đựng.
“Hơn 90% những người bị bạo hành không tìm kiếm bất cứ sự hỗ trợ nào từ cơ quan chức năng. Đó là những số liệu khiến chúng ta đáng phải suy nghĩ. Tại sao nạn nhân bị bạo hành mà không dám kể với ai. Có phải họ mất niềm tin ở những người xung quanh? Hay họ sợ rằng nếu bị nói ra thì có thể bị chê trách nhiều hơn?”, TS. Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội ISDS chia sẻ.
“Để thay đổi tình trạng bạo lực gia đình thì chúng ta phải thay đổi văn hóa của người Việt Nam. Trong đó, điều quan trọng nhất là văn hóa im lặng trước những hành vi tiêu cực của những người khác. Đôi khi chứng kiến bạo lực gia đình ở những người khác thì chúng ta nghĩ đó không phải việc của mình. Chúng ta không muốn can thiệt hoặc không dám can thiệp, cho rằng như vậy thì mình sẽ động chạm vấn đề riêng tư của người khác, hay có khi kiểu chả phải đầu thì cũng phải tai nên mọi người ngại dính dáng vào những câu chuyện như vậy”, - TS. Khuất Thu Hồng nói tiếp - “Một văn hóa nữa cần thay đổi chính là sự cam chịu của người trong cuộc. Nếu những nạn nhân cho rằng mình cần im lặng để giữ gìn hạnh phúc gia đình thì họ sẽ tiếp tục là nạn nhân suốt đời. Cũng như những câu chuyện chúng ta không thảo luận rộng rãi vấn đề này để thay đổi văn hóa chấp nhận bạo lực thì chúng ta phải đối diện với nó trong thời gian rất dài nữa”.
Thay đổi không thể trong một sớm một chiều. Tập quán và lối sống của nhiều vùng vẫn chưa coi bất bình đẳng giới, bạo lực gia đình là điều nghiêm trọng. Để thay đổi văn hóa, cách hành xử, cần cả một quá trình dài và sự vào cuộc quyết liệt từ nhiều phía. Năm ngoái, Quốc hội đã thông qua Luật Phòng chống bạo lực gia đình. Luật đã quy định rất rõ về quy trình tin báo, tố giác hành vi bạo lực gia đình, quy định cả địa chỉ tiếp nhận tin báo cũng như là quy định trách nhiệm Chủ tịch cấp xã trong việc xử lý giải quyết tin báo một cách đầy đủ, rõ ràng, để người bị bạo lực gia đình cảm thấy mình được bảo vệ, mình được hỗ trợ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!