Thời trang tuần hoàn: Để không còn những bộ quần áo bỏ thì thương, vương thì không dùng

Ban Thời sự-Thứ sáu, ngày 10/03/2023 13:20 GMT+7

VTV.vn - Người tiêu dùng hiện nay đã quan tâm nhiều hơn đến môi trường, phát triển bền vững, coi nó như một tiêu chí của thời trang.

Chỉ cần mở cánh cửa tủ quần áo của bất kỳ chị em phụ nữ thành thị nào cũng có thể bắt gặp tình huống như quần áo chỉ mặc một vài lần rồi để không, hoặc thậm chí chưa bóc mác… Quần áo mặc check-in một lần thì cũ, bỏ thì thương vương thì không dùng. Những món đồ đó bị lưu giữ trong tủ, tạo nên sự lãng phí rất lớn. Thế nhưng, khi được tái sử dụng, quần áo cũ sẽ có được một hành trình mới.

Khảo sát nhanh tại Hà Nội, hiện đã có hàng trăm cửa hàng trực tiếp hoặc trực tuyến bán đồ thời trang qua sử dụng. Từ giải pháp tình thế lúc khó khăn, mua sắm quần áo cũ đang dần trở thành một phần của xu thế thời trang bền vững.

Không khó để tìm thấy những hội nhóm trao đổi thời trang trên Facebook có tới hàng trăm nghìn người tham gia. Với rất nhiều chủ đề về mua bán đồ cũ mỗi ngày, nhiều ứng dụng, sàn thương mại điện tử ký gửi hay trao đổi quần áo cũng nở rộ để đáp ứng nhu cầu của thế hệ người tiêu dùng mới. Người tiêu dùng quan tâm nhiều hơn đến môi trường, phát triển bền vững, coi nó như một tiêu chí của thời trang.

NTK Lê Hà – Gaingr viên ĐH Quốc gia Hà Nội chia sẻ: "Các bạn trẻ đã có sự thay đổi nhận thức về thời trang, có hành động cho việc thời trang bền vững thì phải làm gì, một cá thế sẽ phải truyền tải thông điệp bền vững như thế nào… Tôi thấy điều đó có trong giới trẻ Việt Nam thông qua các buổi thảo luận, hoạt động ngoại khóa của các sinh viên yêu thích thời trang…".

Một lượng lớn sản phẩm thời trang vốn kết thúc ở bãi rác thì nay dễ dàng bán lại. Các chuyên gia đã dự báo, giá trị tiềm năng của nền kinh tế tuần hoàn thời trang có thể lên tới 5.000 tỷ USD. Theo Liên hợp quốc, công nghiệp thời trang là thủ phạm gây ô nhiễm đứng hàng thứ nhì trên hành tinh, tạo ra lượng khí thải nhiều hơn tất cả các chuyến bay quốc tế và vận tải đường biển cộng lại. Quần áo cũ bỏ rất khó tái chế, phần lớn phải cho vào lò đốt rác. Một tờ báo của Tây Ban Nha đã ước tính doanh số bán hàng quần áo cũ sẽ tăng gấp đôi so với thời trang nhanh vào năm 2080.

Thế giới hiện tiêu thụ khoảng 80 tỷ chiếc quần áo mới. Tính trên phạm vi toàn cầu, ngành thời trang mỗi năm tạo ra 92 triệu tấn vải phế liệu. Khối lượng rác thải khổng lồ khó phân hủy này chính là gánh nặng cho trái Đất. Đó chính là lý do nhiều bạn trẻ nỗ lực thực hiện tái chế thời trang dù gặp những khó khăn. Mua lại đồ cũ, thuê đồ qua sử dụng, tái chế thời trang… bằng cách thay đổi mình qua hành vi mua sắm, mỗi người đang góp phần thay đổi thế giới theo hướng tốt đẹp hơn.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước