Lâu nay, việc trả tiền bản quyền cho tác giả âm nhạc đã dần trở thành nét văn hóa đẹp trong đời sống văn nghệ nước ta. Tổ chức đại diện tập thể duy nhất trong lĩnh vực này là Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam, đại diện cho 4.500 nhạc sĩ trong cả nước, với doanh số tác quyền lên tới hàng trăm tỷ đồng mỗi năm. Tuy nhiên, đã có nhiều bất đồng phát sinh trong việc tính phí bản quyền ở những chương trình biểu diễn âm nhạc.
Cụ thể, Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc đang tính phí là 5% x giá vé trung bình x 70% số ghế. Các đơn vị biểu diễn không đồng tình với cách tính này, gây tranh cãi, khiếu kiện kéo dài trong nhiều năm.
Trước những tranh cãi không hồi kết, khiến tất cả các bên đều mệt, mới đây Chính phủ đã ban hành Nghị định 47, trong đó có một quy định rất mới. Đó là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ phê duyệt biểu mức và phương thức thanh toán tiền bản quyền do tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan xây dựng. Điều đó đồng nghĩa với việc mức phí Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam cần được cơ quan quản lý phê duyệt trước khi áp dụng vào các chương trình biểu diễn. Đây quả thực có thể là một thay đổi rất quan trọng.
Cân bằng quyền lợi giữa người sáng tác, người biểu diễn và công chúng là yếu tố quan trọng để thúc đẩy nền công nghiệp âm nhạc phát triển. Điều được quan tâm nhất lúc này là đến khi nào sẽ chính thức có biểu phí tác quyền trong biểu diễn âm nhạc. Nghị định mới ra đời đã 5 tháng. Từ đó tới nay, nhiều chương trình đã được tổ chức. Việc có quy định cụ thể về mức phí này là cần thiết để đời sống âm nhạc có thể vận hành trôi chảy.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!