Tranh chấp bản quyền: Đăng ký bản quyền để bảo vệ lợi ích hợp pháp của tác giả

Ban Thời sự-Chủ nhật, ngày 16/07/2023 12:09 GMT+7

VTV.vn - Theo các chuyên gia, việc đăng ký bản quyền là hành động đơn giản nhất để tác giả bảo vệ quyền lợi hợp pháp của bản thân khi tranh chấp xảy ra.

Ca khúc Gánh mẹ là tác phẩm từng gây ồn ào vì có tranh chấp bản quyền phần lời bài hát giữa nhà thơ Trương Minh Nhật và ca sỹ Quách Beem. Sau gần 5 năm theo đuổi vụ tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ, mới đây ông Trương Minh Nhật chính thức được công nhận là tác giả, đồng thời là chủ sở hữu bài thơ, lời bài hát Gánh mẹ. Việc trả lại bài thơ về với chính chủ đã trải qua chặng đường dài nhiều gian truân. Bởi trước đó nhà thơ Trương Minh Nhật không đăng ký bản quyền tác phẩm.

Tương tự trường hợp ca khúc Gánh mẹ, thời gian qua đã có nhiều vụ việc tranh chấp về bản quyền tác giả đối với những tác phẩm văn học nghệ thuật đứng tên chung. Điều đáng bàn là nhiều văn nghệ sĩ không quan tâm đến việc đăng ký bản quyền tác giả. Nâng cao năng lực bảo vệ bản quyền của các cá nhân tổ chức sẽ vấn đề được bàn luận trong chương trình Góc nhìn văn hóa lên sóng ngày 16/7.

Nhìn lại các vụ tranh chấp về bản quyền tác giả, không thể không kể đến vụ kiện tác quyền được cho là kéo dài "kỷ lục" suốt 12 năm liên quan tới bộ truyện tranh Thần đồng đất Việt. Những nhân vật Tí, Dần, Sửu, Mẹo đã làm nên sự thành công của bộ truyện tranh Việt Nam nổi tiếng Thần đồng đất Việt cũng chính là những nhân vật gây nên sự tranh chấp. Ai là tác giả của chúng? Họa sĩ Lê Linh công ty Phan Thị đưa ra những lý lẽ khẳng định mình là tác giả. Đây là một vụ kiện gây chú ý bởi nó liên quan đến tranh chấp quyền tác giả giữa một bên được xem là "cha đẻ" với một bên là "bà đỡ"của bộ truyện.

Chính nhờ những quy định cụ thể, chặt chẽ được hướng dẫn chi tiết trong luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả và quyền liên quan mà họa sĩ Lê Linh đã thắng kiện. Sau loạt vụ tranh chấp, những người sáng tạo hay nhà doanh nghiệp đầu tư, các tổ chức văn học nghệ thuật đã bắt đầu quan tâm về sở hữu trí tuệ nhiều hơn trước.

Mới đây, trong khuôn khổ đại hội lần thứ 5 của Hội xuất bản Việt Nam, vấn đề bảo vệ bản quyền đã được xác định là một nhiệm vụ trọng tâm của tổ chức này trong nhiệm kỳ tới. Hội sẽ chú trọng hơn nữa đến công tác bảo vệ bản quyền tác giả, một vấn đề đang rất "nóng" hiện nay. Với vai trò, chức năng của mình, Hội Xuất bản Việt Nam sẽ phối hợp chặt chẽ với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông và các cơ quan liên quan triển khai, thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để bảo vệ quyền tác giả, hướng đến một nền xuất bản lành mạnh, chuyên nghiệp. Tinh thần này cũng đã lan tỏa tới các đơn vị hội viên triển khai thành các giải pháp thiết thực.

Một tín hiệu mừng là vừa qua Nghị định 17/2023/NĐ-CP đã dành một chương riêng về bảo vệ quyền tác giả, quyền liên quan. Đây là nội dung mới, quy định cụ thể hơn về bảo vệ bản quyền, tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân và các bên có nhu cầu. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng ban hành quy định các mẫu trong hoạt động đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan. Sự hỗ trợ từ việc đơn giản hóa thủ tục, sự thay đổi về nhận thức của chủ thể sở hữu đang được kỳ vọng sẽ góp phần hạn chế tình trạng vi phạm bản quyền tác giả.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước