Du lịch thời COVID-19: Biến nguy cơ thành cơ hội

Ban Thời sự-Thứ tư, ngày 19/02/2020 19:43 GMT+7

VTV.vn - Việc chung tay giải bài toán khủng hoảng của ngành du lịch trong dịch bệnh COVID-19 có thể biến thách thức, khó khăn thành cơ hội để lội ngược dòng và bứt phá.

Tình hình khó khăn vẫn đang bủa vây các điểm du lịch ở Việt Nam. Thành phố Đà Lạt, xứ sở ngàn hoa thu hút du khách gần xa, trong mấy tuần nay bỗng trở về với vẻ đẹp yên bình vốn có. Lý do là vì lượng khách sụt giảm trước nỗi lo nCoV. Hàng loạt điểm đến đìu hiu. Trong chưa đầy nửa tháng, du lịch tại đây gần như bị tê liệt. Ảnh hưởng đối với ngành du lịch khó có thể đong đếm bởi sự hồi phục, tăng trưởng không phải là câu chuyện nay mai.

Các chuyên gia du lịch nhận định, lượng khách không chỉ giảm trong thời điểm có dịch. Ngay cả khi kết thúc dịch, du lịch vẫn bị ảnh hưởng, nhất là khi các nước trong khu vực chịu ảnh hưởng chung từ dịch bệnh đều sẽ tung ra những chiến lược để thu hút khách trở lại.

Theo Tổng cục Thống kê, nếu dịch bệnh kéo dài hết quý I, thiệt hại về doanh thu từ khách quốc tế trong năm nay là khoảng 2,3 tỷ USD (gần 53.000 tỷ đồng). Ước tính thiệt hại ban đầu của việc dừng một số đường bay của các hãng hàng không Việt Nam do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 đã lên tới 10.000 tỷ đồng.

Du lịch, với đặc thù là một lĩnh vực kinh tế tổng hợp của nhiều ngành, dự báo sẽ chịu nhiều tổn thương và có thể kéo dài cả sau khi dịch bệnh kết thúc. Theo Tổng cục Du lịch Việt Nam, trong 3 tháng tới, ước tính thiệt hại của ngành du lịch sẽ vào khoảng 5,9 - 7 tỷ USD do dịch COVID-19 gây ra.

Hội đồng Tư vấn Du lịch Quốc gia đã đưa ra những nhóm giải pháp cụ thể nhằm phục hồi ngành kinh tế quan trọng của quốc gia này sau dịch bệnh. Ưu tiên số một trong nhóm 10 giải pháp là miễn giảm thị thực, kinh nghiệm phục hồi du lịch từng thành công sau dịch SARS vào năm 2003. Chính sách này không mới nhưng là biện pháp kích cầu nhanh và ít tốn kém. Theo các chuyên gia, cần miễn lệ phí visa khẩn cấp cho các thị trường khách xa 12 tháng, kéo dài thời gian miễn thị thực lên 30 ngày, có thể quay lại bất kỳ lúc nào đối với các thị trường ổn định, nhất là Vương quốc Anh, châu Âu, Australia, New Zealand và Canada.

Bên cạnh đó, cần "đánh thức" Quỹ Hỗ trợ du lịch 300 tỷ đồng để đẩy mạnh xúc tiến du lịch Việt Nam qua kênh truyền thống và tiếp thị số. Mới nhất, Văn phòng Xúc tiến du lịch tại Anh đã được khai trương, mở ra cơ hội đẩy mạnh tại thị trường châu Âu. Nếu thành công, mô hình này sẽ được nhân rộng ở nhiều thị trường tiềm năng khác.

Hội đồng Tư vấn Du lịch Quốc gia đề xuất, trước mắt cần giảm ngay thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống 5% cho các doanh nghiệp liên quan đến du lịch, kéo dài thời gian nộp thuế từ 6 tháng lên 12 tháng mà không bị phạt.


Tháo gỡ khó khăn cho ngành du lịch sau dịch bệnh COVID-19 Tháo gỡ khó khăn cho ngành du lịch sau dịch bệnh COVID-19

VTV.vn - Dịch COVID-19 đang gây ảnh hưởng đáng kể tới ngành du lịch. Những dự báo cho thấy ngành này sẽ chịu nhiều tổn thương và có thể kéo dài sau khi dịch bệnh kết thúc.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước