Ngay từ thời điểm bắt đầu triển khai, đã có không ít băn khoăn, nghi ngại, rằng cuộc vận động này sẽ lại dừng ở các phong trào rầm rộ những buổi đầu rồi chìm dần vào quên lãng. Tuy nhiên, sau 1 năm triển khai, cuộc vận động này đã trở thành một trong những hoạt động trọng tâm của toàn hệ thống chính trị cũng như tại các cộng đồng dân cư, 517/600 điểm đen về ô nhiễm môi trường do rác đã được chuyển hóa. Trong đó, 65 điểm đã trở thành khu sinh hoạt cộng đồng như sân chơi thể thao, vườn hoa, công viên nhờ hàng trăm sáng kiến, mô hình từ các tổ chức hội đoàn, cá nhân.
Yếu tố quan trọng nhất để đưa cuộc vận động vào đời sống chính là tạo được sự đồng thuận của mỗi cư dân, cùng chung tay với mục tiêu không còn rác trên đường phố, trên kênh rạch. Tuy nhiên, trong số 2,5 triệu hộ gia đình của toàn thành phố, mới có hơn phân nửa ký cam kết không vứt rác ra đường và kênh rạch.
Vậy làm cách nào để tỷ lệ này đạt mức 90 - 100%, để hơn 80 điểm đen ô nhiễm do rác thải không còn là điểm đen và không phát sinh các điểm đen mới? Một sáng kiến đã được đưa ra, đó là sự cam kết 2 chiều giữa người dân với chính quyền, bài học từ quận 3, TP.HCM - một trong số ít địa phương đã xóa hoàn toàn điểm đen ô nhiễm rác thải sau 1 năm qua.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!