Để có được không gian trong lành sáng mai cho những người dân quanh khu vực đến tập thể dục ở Công viên văn hoá Phú Nhuận, công việc của ông Nguyễn Bá Cần cùng các đồng nghiệp ở công ty Môi trường đô thị Phú Nhuận đã bắt đầu từ rất sớm.
Tại Công viên Gia Định, công viên lớn nhất của TP.HCM hiện nay, 6g30 sáng là lúc nhân viên phải hoàn tất công việc thu dọn rác trên toàn bộ các tuyến đường, sân chơi hay thảm cỏ. Công việc này cũng được duy trì liên tục trong ngày để đảm bảo rác không hiện diện ở khu vực sinh hoạt công cộng. Tuy nhiên, trong công viên sạch bao nhiêu thì rìa công viên, tức là những con đường bao quanh không gian công cộng này hoàn toàn ngược lại. Không chỉ tiện tay quăng rác bên lề đường hay vào các miệng hố ga, rác còn được vứt ngay dưới những tấm bảng cảnh báo có camera theo dõi để xử phạt nguội. Vì sao người xả rác có thể bất chấp quy định như vậy?
Theo bà Nguyễn Thị Thanh Thùy - Giám đốc Công viên Gia Định B, TP.HCM: "Anh em bảo vệ cũng bắt được nhưng mà bắt thì họ hốt lên rồi họ chở đi chỗ khác, họ cũng không sợ, anh em mình thì không phạt được họ cho nên cũng rất là khó. Đó là cái bức xúc của anh em công nhân làm."
Theo quy định, Ban quản lý các công viên chỉ có thể nhắc nhở, xử phạt các hành vi xả rác trái phép trong khuôn viên, việc xử phạt với hành vi này tại các tuyến đường bao quanh công viên thuộc về các địa phương. Chính vì vậy, dù các công viên có nỗ lực đến mấy thì không thể có biện pháp xử lý hành vi xả rác trái phép, khi mà việc xử phạt nguội thông qua các camera vẫn còn nhiều hạn chế. Vì vậy, những con đường bao quanh công viên sẽ còn tiếp tục bị rác tấn công và không gian đáng lẽ trong lành sẽ bị lấn át bởi rác.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!