1/3 thanh thiếu niên ở 30 quốc gia trên thế giới từng là nạn nhân của các vụ bắt nạt trên mạng. Trung bình cứ 5 em thì có 1 em bỏ học vì điều này. Đây là kết quả cuộc khảo sát vừa được Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) và Đại diện đặc biệt của Tổng Thư ký Liên hợp quốc công bố. Cuộc khảo sát có sự tham gia của 170.000 em trong độ tuổi 13 - 24 trên khắp các châu lục.
Khảo sát này này đang cho thấy bắt nạt trên mạng đang là một thực trạng đáng báo động trên toàn thế giới.
Những hành động bắt nạt trên mạng gây nên tâm lý vô cùng ức chế và hoảng loạn cho nạn nhân, khiến rất nhiều em đã tìm cách tự sát vì không thể trao đổi với ai.
Rima Kasai, 13 tuổi, tự vẫn bằng cách nhảy vào đoàn tàu đang chạy tại ga Kitatokiwa, thành phố Aomori, phía Bắc Nhật Bản. Cô bé qua đời vào ngày thứ hai của học kỳ mới trong năm lớp 8 của mình, sau khi bị bắt nạt trong suốt một năm liền.
Cha cô bé, ông Go Kasai cho biết, ở trường học, bạn học trêu chọc Rima bằng đủ thứ trò. Cả khi Rima về nhà, trò bắt nạt vẫn không kết thúc. Em liên lục nhận những tin nhắn lăng mạ. Khi Rima thông báo với giáo viên, họ lại không coi đó là một vấn đề nghiêm túc.
Đây cũng là tình trạng chung của nhiều nạn nhân của nạn bắt nạt trên mạng. Một khi những kẻ tấn công bắt nạt nạn nhân, chúng thường không ngừng nghỉ.
Chính các mạng xã hội nổi tiếng như: Facebook, Instagram, Snapchat và Twitter là những không gian mạng hay xảy ra tình trạng bắt nạt nhất.
Việt Nam cũng là một trong số những nước tham gia khảo sát của Liên Hợp Quốc. 21% thanh thiếu niên Việt Nam tham gia khảo sát cho biết các em từng bị bắt nạt trên mạng. Đặc biệt, 75% cho biết các em không biết về đường dây nóng hoặc các dịch vụ có thể giúp nếu bị bắt nạt trên mạng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!