Một trong những câu hỏi dư luận đặt ra là làm thế nào một trường đại học lại có thể đào tạo và cấp văn bằng 2 sai quy trình, sai quy chế trong suốt một thời gian dài nhưng không bị phát giác? Trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước ở đâu trong sự việc này?
Theo tìm hiểu của phóng viên VTV, xuất phát từ nhu cầu của một bộ phận người học có văn bằng chứng chỉ để hoàn thiện hồ sơ, trường Đại học Đông Đô đã tổ chức tuyển sinh đào tạo và cấp văn bàng 2 cử nhân ngành Ngôn ngữ Anh hệ chính quy. Tuy nhiên, thay vì đảm bảo quy trình đào tạo, trường này lại tổ chức thi đầu vào, thi hết học phần 25 môn và thi tốt nghiệp cho các học viên trong thời gian chỉ 1 - 2 ngày và được cấp bằng tốt nghiệp sau 3 - 6 tháng từ lúc nộp hồ sơ mà không phải đi học.
Nói về trách nhiệm của Nhà nước có 5 Vụ cục chức năng liên quan đến việc quản lý trong vụ việc này.
Vụ Kế hoạch Tài chính: Quản lý chỉ tiêu tuyển sinh từ năm 2015 - 2017. Trong thời gian này, Vụ đã ra thông báo tuyển sinh đối với trường Đại học Đông Đô, trong đó có chỉ tiêu văn bằng 2 chính quy. Dựa vào đây, trường Đại học Đông Đô ra thông báo tuyển sinh văn bằng 2 đối với ngành Ngôn ngữ Anh.
Vụ Giáo dục đại học: Phụ trách công tác tuyển sinh từ năm 2017, quản lý đào tạo.
Văn phòng Bộ GD-ĐT: Cấp phôi bằng chính quy theo thông báo chỉ tiêu của Vụ Kế hoạch Tài chính.
Cục Quản lý chất lượng: Quản lý văn bằng chứng chỉ từ năm 2017. Trước đó, việc này thuộc về Vụ Pháp chế.
Thanh tra Bộ: Làm nhiệm vụ thanh tra, giám sát.
Liên quan đến vụ việc này, một số chuyên gia cũng cho rằng, một khi Bộ GD-ĐT giao quyền tự chủ cho các trường thì cơ chế kiểm tra, giám sát cần chặt chẽ và sát sao. Việc buông lỏng quản lý có thể dẫn đến những sai phạm nghiêm trọng không chỉ riêng ở trường Đại học Đông Đô.
Để những sai phạm không tiếp diễn, Đại diện Hội đồng Giáo sư Nhà nước cho biết sẽ kiểm soát chặt chẽ văn bằng chứng chỉ ngoại ngữ của các ứng viên tham gia xét công nhận Giáo sư và Phó Giáo sư năm nay. Đối với tất cả ứng viên có bằng hoặc chứng chỉ Ngoại ngữ do các cơ sở giáo dục đào tạo cấp, các Hội đồng ngành, liên ngành vẫn phải đánh giá năng lực Ngoại ngữ thực tế của từng ứng viên. Kết quả đánh giá năng lực Ngoại ngữ từng ứng viên phải ghi rõ trong Biên bản họp Hội đồng Giáo sư ngành, liên ngành năm 2019.
Còn trong trường hợp ứng viên đã được bổ nhiệm chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư mà có sử dụng văn bằng hoặc chứng chỉ không hợp lệ, Hội đồng Giáo sư Nhà nước sẽ tổ chức họp để xem xét và đánh giá năng lực thực tế của ứng viên đó. Nếu không đáp ứng quy định sẽ bị hủy bỏ chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!