Nhiều người còn cho rằng nếu ông bà tổ tiên không được "mồ yên mả đẹp", cuộc sống, công việc của con cháu cũng gặp khó khăn. Do đó, nhiều người thậm chí đã phải chuẩn bị nơi an táng của mình ngay từ khi còn trẻ, khỏe. Tuy nhiên, hiện việc tìm một chỗ cho người chết vất vả không kém việc tìm nhà cho người sống.
Nghĩa trang của làng ở gần nhà nên đến ngày rằm, mùng 1, bà Hồ Thị Nga (quận Long Biên, Hà Nội) lại ra thắp hương cho bố mẹ. Ngay cạnh đó là hai ngôi mộ gió của vợ chồng bà. Hai ngôi mộ này bà mua từ cách đây hơn chục năm. Đến bây giờ, bà mới thấy đây là việc làm vô cùng đúng đắn bởi từ vài năm trở lại đây, người dân trong làng muốn tìm một ngôi mộ trống ở đây cũng khó. Tuy nhiên, có mộ rồi cũng chưa phải hết lo khi khu nghĩa trang này đã bị giải tỏa một nửa để làm đường vào khu chung cư ở gần đó. Bà Nga lo có ngày khu nghĩa trang này cũng bị di dời đi nơi khác.
Không chỉ cần một nơi an táng, nhiều gia đình có điều kiện kinh tế còn mong muốn có một ngôi mộ ở vị trí đẹp, gần nơi sinh sống để tiện cho con cháu hương khói, thăm viếng. Chính vì vậy, xu hướng tìm mộ sớm đang ngày càng phổ biến hơn.
Theo Thống kê của Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội, hiện thành phố có khoảng hơn 2.300 nghĩa trang. Tuy nhiên, trên 90% trong số đó là nghĩa trang nhân dân, tức là những khu chôn chất tự phát của người dân từ nhiều đời trước được mở rộng ra, chỉ có 8% nghĩa trang được quy hoạch. Do đó, không ai dám chắc những ngôi mộ như bà Nga đã mua trước có thể còn nằm ở đó trong vài chục năm tới, khi quy hoạch thành phố còn nhiều thay đổi
Nhiều người cho rằng, ở nông thôn đất rộng, người thưa, việc chôn cất sẽ đơn giản hơn. Tuy nhiên, người dân vẫn có thể gặp phải những câu chuyện oái oăm khác. Nghĩa trang hết đất chôn là thực tế tại không ít địa phương. Bên cạnh đó, có nơi nghĩa trang của thôn lại bị xẻ bán. Tại thôn Kim Ngưu, xã Tân Tiến, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên, người dân rất bức xúc trước việc khu nghĩa trang của thôn đã bị một số cá nhân bán cho những người ở nơi khác đến. Trong khi đó, người dân trong thôn muốn chôn cất người thân lại không có chỗ để chôn.
Người dân cho biết, không chỉ đất nghĩa trang, nhiều ao hồ, đất công cũng bị cán bộ thôn tự ý bán, trong khi người dân không được họp bàn. Trước bức xúc của người dân, lãnh đạo UBND huyện Văn Giang đã cử đoàn thanh tra xác minh, làm rõ. Kết quả thanh tra cho thấy, việc lãnh đạo thôn Tân Tiến thu tiền lệ phí nghĩa trang 380 triệu đồng của 16 hộ dân ở Hà Nội là có thật. Tuy nhiên, sự việc có sự đồng ý của các tổ chức đoàn thể tại địa phương, ngoài ra số tiền này cũng đã chi vào việc xây dựng những công trình phúc lợi. Đoàn thanh tra xác nhận, việc giao đất nghĩa trang thu tiền là không đúng pháp luật và cần có những giải pháp cho sự việc này .
Từ nhu cầu bức thiết của người dân về nơi chôn cất, dịch vụ môi giới mua bán đất nghĩa trang đã phát triển rầm rộ trong những năm gần đây. Không ít "cò" mồ mả "ăn nên làm ra" với nghề này.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!