Trước đây trung bình người Nhật Bản tiêu thụ 2,3 kg thịt cá voi/người/năm. Hiện nay dân Nhật Bản rất ít ăn thịt cá voi, chỉ còn khoảng 30 gram mỗi người. Tập tục đánh bắt cá voi đã xuất hiện ở Nhật Bản từ thế kỷ 12, sau đó phát triển mạnh sau Chiến tranh thế giới thứ hai khi thịt cá voi là nguồn thực phẩm cung cấp đạm động vật chủ yếu cho người dân. Tuy nhiên sau đó, Nhật Bản chính thức thông báo ngừng đánh bắt cá voi vào năm 1986 khi họ phê chuẩn lệnh cấm đánh bắt cá voi của Ủy ban cá voi quốc tế (IWC). Vậy vì sao Nhật Bản lại quyết định nối lại việc săn bắt cá voi.
Phóng viên Đức Cường cho hay: "Theo quan điểm của Nhật Bản, Ủy ban cá voi quốc tế (IWC) đã không hoạt động theo tôn chỉ ban đầu, lúc Nhật Bản mới gia nhập, là điều phối hoạt động đánh bắt cá voi quốc tế, mà đã chuyển hẳn sang hướng gây áp lực cấm các nước thành viên đánh bắt cá voi. Thứ hai, bản thân trong IWC cũng có rất nhiều nước đang công khai đánh bắt cá voi. Do vậy, việc tham gia IWC với Nhật Bản đã không còn ý nghĩa nữa.
Ngoài ra, với Nhật Bản, đánh bắt cá voi là hoạt động mang tính truyền thống có thể lên đến hàng nghìn năm lịch sử, hiện diện cùng lúc với nghề đánh bắt cá ở nước này. Cuối cùng, mặc dù có chung tên gọi nhưng trên thực tế có tới 80 loài cá voi khác nhau và những loài mà Nhật Bản săn bắt đều có số lượng lớn và không đối diện với nguy cơ tuyệt chủng".
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!