Mối quan hệ đối tác chiến lược giữa Đức và Việt Nam, cũng như quan hệ chiến lược trong từng lĩnh vực giữa Việt Nam - Hà Lan đã được cụ thể hóa mạnh mẽ qua chuyến thăm chính thức làm việc của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tới 2 quốc gia này. Một cách làm mới và quyết tâm mới trong triển khai các dự án hợp tác cụ thể giữa Việt Nam với Đức và với Hà Lan chắc chắn sẽ góp phần giúp Việt Nam vững bước tiến vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và thích nghi được với tình trạng biến đổi khí hậu và nước biển dâng.
Thủ tướng Angela Merkel đã mời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tới thăm Đức ngay sau khi Thủ tướng mới nhậm chức, từ tháng 5 năm ngoái tại Hội nghị G7 ở Nhật Bản. Lời mời này đã được nhắc lại một lần nữa vào tháng 7 tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEM ở Mông Cổ. Đây là điều hiếm có và khá đặc biệt. Và tại cuộc hội đàm giữa hai Thủ tướng trong chuyến thăm này, được mô tả là rất cởi mở và dễ dàng thống nhất với nhau trong mọi vấn đề từ thúc đẩy các doanh nghiệp của Đức mở rộng đầu tư ở Việt Nam, đến mục tiêu đưa kim ngạch thương mại song phương lên 20 tỷ USD sau 4 năm nữa.
Cả hai Thủ tướng đều mong muốn thúc đẩy dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 2 ở TP.HCM, trong đó Chính phủ Đức sẽ cung cấp một phần vốn. Ngoài ra, Thủ tướng Angela Merkel cũng nhất trí với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về việc tiến tới một thỏa thuận giữa 2 Chính phủ và banh Hassen để mở rộng quy mô của trường Đại học Việt Đức ở tỉnh Bình Dương. Không chỉ tại cuộc hội đàm với Thủ tướng Angela Merkel mà tại cuộc hội kiến với Tổng thống Frank-Walter Steinmeier, và Chủ tịch Hội đồng liên bang tức Thượng viện, các nhà lãnh đạo Đức đều ủng hộ tăng cường hợp tác với Việt Nam theo hướng này.
Hiếm có chuyến thăm nước nào mà Thủ tướng có thể tới thăm liền tới 4 bang, chiếm ¼ tổng số bang này của Đức như chuyến thăm này của Thủ tướng. Mỗi bang của Đức đều như một nền kinh tế và có tính độc lập cao với chính quyền Trung ương, có bang GDP gấp 3 lần Việt Nam. Từ Thủ hiến, đến Chủ tịch Quốc hội hay Thị trưởng của các bang này đều sẵn sàng hợp tác với Việt Nam trên nhiều lĩnh vực cụ thể.
Và với 36 thỏa thuận và hợp đồng được ký trị giá tới 4 tỷ USD được trao ngay tại diễn đàn kinh tế Việt - Đức được coi là con số kỷ lục. Còn tại Hà Lan, với 400 doanh nghiệp tham dự diễn đàn doanh nghiệp hai nước, cùng với tổng giá trị hơn 700 triệu USD các hợp đồng và thỏa thuận được ký đã tạo hiệu ứng rất lớn về hợp tác với Việt Nam. Điều cũng thể hiện từ cơ sở quan hệ hữu nghị và tin cậy, giờ là lúc phải làm sâu sắc hơn quan hệ kinh tế giữa Việt Nam với 2 đối tác quan trọng nhất ở EU.
Nếu với Đức là công nghệ và kinh nghiệm quản trị để đưa Việt Nam vững bước vào cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, với Hà Lan, trong chuyến thăm này của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Việt Nam mong muốn nước này hỗ trợ để triển khai cụ thể mối quan hệ Đối tác chiến lược về Thích ứng với biến đổi khí hậu và Quản lý nước đã ký cách đây 7 năm và Đối tác chiến lược về Nông nghiệp bền vững và An ninh lương thực được ký cách đây 3 năm. Giờ đến lúc các quan hệ đối tác chiến lược này phải được triển khai cụ thể các dự án để Đồng bằng sông Cửu Long và TP.HCM nơi đang có hàng chục triệu người đang sinh sống thích ứng được với biến đổi khí hậu và nước biển dâng, giống như Hà Lan.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!