Chuyên gia Hà Lan tâm huyết bảo tồn gấu Việt Nam

Nguyễn Nam - Mạnh Thắng (VTV4)-Thứ hai, ngày 23/03/2015 06:00 GMT+7

Các bác sĩ kiểm tra và chăm sóc sức khỏe ban đầu cho gấu. Ảnh: Animals Asia

VTV.vn - Gác lại sự nghiệp và cả niềm hạnh phúc riêng tư tại quê nhà Hà Lan, niềm vui mỗi ngày của Annemarie đơn giản chỉ là nhìn thấy những chú gấu Việt Nam khỏe mạnh…

Bà Annemarie Weegennaar là chuyên gia quản lý động vật hoang dã người Hà Lan. Tình yêu đối với loài gấu đã đưa bà đến Việt Nam với vai trò là người tham gia xây dựng và quản lý Trung tâm cứu hộ gấu Việt Nam.

Bà Annemarie Weegennaar hiện đang đảm nhiệm vai trò Giám đốc đội cứu hộ gấu và bác sĩ thú y tại Trung tâm Cứu hộ gấu Việt Nam từ hơn 7 năm qua. Bà là người duy nhất tại trung tâm có thể nhớ được tên và biết được đặc điểm, tình trạng sức khỏe của gần 110 chú gấu ngựa và gấu chó tại đây.

Bà Annemarie Weegennaar kể: “Tôi có thể nhớ được tên của hơn 100 chú gấu tại đây. Mỗi con có đặc điểm nhận dạng dựa trên đặc điểm ngoại hình riêng. Chẳng hạn dấu hiệu ở mặt, có con mặt đen, có con mặt không đen lắm, màu lông sáng hơn. Gấu cũng như người, cũng có con lông xoăn, có con lông thẳng. Con cái thì lông cổ xoăn và dài hơn, còn con đực thì lông cổ ngắn hơn”.

Mỗi ngày hai lần vào đầu buổi sáng và buổi chiều, Annemarie cùng các công nhân đặt thức ăn rải rác tại các vị trí khác nhau trong khu bãi cỏ bán hoang dã, biện pháp này nhằm rèn luyện và hồi phục kỹ năng tìm kiếm thức ăn ngoài tự nhiên cho gấu, bởi chúng được đưa về cứu hộ tại trung tâm sau nhiều năm bị nuôi nhốt lấy mật tại các trang trại.

Với những kinh nghiệm cứu hộ, chăm sóc gấu, Annemarie truyền đạt kỹ năng cứu hộ, chăm sóc gấu cho các chuyên gia và công nhân Việt Nam. Bà là người đưa ra quyết định gấu sẽ được chăm sóc mỗi ngày từ khẩu phần ăn, chăm sóc y tế và cả rèn luyện kỹ năng. Đặc biệt, Annemarie là người góp nhiều tâm huyết xây dựng các khu nhà ở, khu bán hoang dã… với cây cối, các bãi cỏ, hồ nước và địa hình cao thấp cũng như đồ chơi nhằm tạo môi trường sống gần giống ngoài thiên nhiên, phục hồi bản năng sống tự nhiên của gấu.

Bà Annemarie Weegennaar cho biết: “Khi về đây, gấu trải qua một quá trình dài phục hồi và thích nghi. Tôi không chỉ muốn cứu hộ gấu về đây, cho chúng điều kiện sống tốt nhất có thể trong khả năng của Tổ chức động vật châu Á. Tôi muốn qua mô hình Trung tâm cứu hộ gấu tại đây, người dân sẽ thay đổi nhận thức không sử dụng mật gấu để chữa bệnh nữa”.

Nói về những đóng góp của bà Annemarie Weegennaar, Tiến sĩ Tuấn Bendixsen, Giám đốc Trung tâm Cứu hộ gấu Việt Nam, Trưởng đại diện Tổ chức Động vật châu Á tại Việt Nam: “Kinh nghiệm của chị Annemarie rất quan trọng trong việc xây dựng trung tâm, vì các chuyên gia có kinh nghiệm trong lĩnh vực cứu hộ gấu trên thế giới chỉ đếm trên đầu ngón tay. Đa số các chuyên gia thường chỉ sang Việt Nam làm việc 2-3 năm, sau đó họ sẽ về nước phát triển sự nghiệp của họ, nhưng chị Annemarie đã sẵn sàng hy sinh cả sự nghiệp dành toàn bộ tâm huyết để cứu hộ gấu Việt Nam”.

Gác lại sự nghiệp và cả niềm hạnh phúc riêng tư tại quê nhà Hà Lan, niềm vui mỗi ngày giờ đây của Annemarie đơn giản chỉ là nhìn thấy những chú gấu Việt Nam khỏe mạnh nô đùa và điều bà mong ước là loài gấu sẽ được bảo tồn phát triển tại Việt Nam.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước