Lao động Việt cần nâng cao tay nghề để nắm bắt cơ hội việc làm khi gia nhập thị trường chung ASEAN vào năm 2015. Ảnh: Báo Giao thông
Tự do thương mại giữa 10 nước thành viên sẽ kéo theo sự dịch chuyển lao động của hàng trăm triệu lao động trong khu vực bao gồm cả Việt Nam. Đứng trước ngưỡng hội nhập, lao động Việt Nam cần phải trang bị cho mình những gì để không chỉ đứng vững ở thị trường Việt Nam mà còn thâm nhập được thị trường lao động của ASEAN (AEC)?
98% nhân sự của khách sạn 5 sao Sofitel là người Việt Nam. Chỉ ở những vị trí chủ chốt và có yêu cầu cụ thể như bộ phận kỹ thuật, bếp trưởng, vị trí cấp cao, khách sạn mới tuyển dụng người nước ngoài. Lực lượng lao động Việt Nam có lợi thế cạnh tranh ở một số điểm.
Bà Nguyễn Thị Hòa, Giám đốc nhân sự Khách sạn Sofitel, Hà Nội cho biết: “Lao động Việt Nam có những tố chất tốt như chăm chỉ, đam mê phục vụ. So với những trải nghiệm của lao động các nước ASEAN có thể chúng ta vẫn còn chưa đủ, cho dù ASEAN mở cửa nhưng khách sạn không có nhu cầu thay đổi đối tượng tuyển dụng, mà sự ưu tiên luôn dành cho nhân viên người Việt Nam, bởi ngoài những tố chất như trên thì nhân lực Việt Nam sẽ giúp cho khách sạn quản lý về mặt chi phí một cách dễ dàng hơn”.
Sự ưu tiên đối với lao động Việt Nam ở sân nhà là điều dễ hiểu, tuy nhiên khi hội nhập, lao động Việt Nam sẽ phải cạnh tranh với lao động của thị trường 9 nước thành viên và ở tại chính Việt Nam.
Theo ông Nguyễn Lương Trào, Chủ tịch Hiệp hội xuất khẩu lao động Việt Nam: “Khi lao động nước khác cũng có cơ hội tự do vào Việt Nam để lựa chọn nghề nghiệp, nếu họ có trình độ kỹ năng nghề, kiến thức cao hơn thì có thể có cơ hội tìm được việc làm nhiều hơn ở Việt Nam. Khi đó quỹ làm việc của người Việt Nam bị thu hẹp, đây là thách thức”.
Một bản báo cáo về Cộng đồng ASEAN công bố hồi năm ngoái chỉ ra rằng, Việt Nam chiếm tới 1/6 tổng lượng khoảng 300 triệu lao động của khu vực này. Nguồn nhân lực dồi dào và cơ cấu lao động trẻ đến nay vẫn là thế mạnh lớn nhất của Việt Nam. Tuy nhiên, lao động Việt Nam muốn dịch chuyển thuận lợi hơn trong 9 nước thành viên còn lại cần nhiều hơn 2 tiêu chí trên, đó là yêu cầu về trình độ, thông thạo ngoại ngữ và thậm chí là hiểu về thị trường tuyển dụng mình.
Tổ chức lao động thế giới đã xuất bản một cuốn cẩm nang hướng dẫn trước khi xuất cảnh dành cho lao động Việt Nam sắp sang Malaysia. Đây chính là ví dụ cho việc trang bị kỹ năng tự bảo vệ bản thân người lao động.
Giáo sư Philip L.Martin, Nhà kinh tế học lao động, Trường Đại học California cho rằng: “Sức hấp dẫn đến từ tiền lương, môi trường làm việc sẽ khiến người lao động muốn dịch chuyển hơn. Nhưng Việt Nam cũng nên trang bị cho người lao động ý thức kiểm tra tính pháp lý của đơn vị tuyển dụng, tìm hiểu và tôn trọng luật pháp và phong tục tập quán của nước sở tại”.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính đến giữa năm 2014, quy mô lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên ở Việt Nam là hơn 53 triệu người. Để đa số lao động này được xuất khẩu thì cần kết hợp trách nhiệm đào tạo từ cơ quan chức năng với ý thức vươn lên của người lao động.