Đầu tư nước ngoài góp phần quan trọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam

Thu Hiền - Sơn Tùng (VTV4)-Chủ nhật, ngày 11/01/2015 06:00 GMT+7

Đầu tư nước ngoài góp phần quan trọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam là ý kiến của ông Sanjay Kalra, Trưởng đại diện Quỹ Tiền tệ quốc tế IMF tại Việt Nam.

Ngày 11/1/2007, Việt Nam đã chính thức trở thành thành viên thứ 150 của Tổ chức Thương mại thế giới WTO sau nhiều năm nỗ lực đàm phán. Đây là dấu mốc quan trọng trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của nước ta.

Nhiều chuyên gia kinh tế trong nước và quốc tế nhận định, việc Việt Nam gia nhập WTO với tư cách là một thành viên bình đẳng đã có những tác động tích cực đến sự phát triển của kinh tế Việt Nam, đặc biệt là trong thu hút đầu tư nước ngoài, đẩy mạnh xuất khẩu và hoàn thiện thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh.

Xung quanh những kết quả đạt được 8 năm sau khi Việt Nam gia nhập WTO cũng như những hạn chế và thách thức đặt ra trong quá trình hội nhập, phóng viên VTV4 đã có cuộc phỏng vấn ông Sanjay Kalra, Trưởng đại diện Quỹ Tiền tệ quốc tế IMF tại Việt Nam.

Năm 2007 là dấu mốc quan trọng khi Việt Nam chính thức trở thành thành viên của WTO, ông đánh giá thế nào về những kết quả mà Việt Nam đã đạt được kể từ khi gia nhập WTO?

Tôi nghĩ rằng những kết quả đạt được sau 8 năm Việt Nam gia nhập WTO là rất quan trọng. Việt Nam đã trở thành một địa điểm hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài. Ngày càng nhiều các tập đoàn và doanh nghiệp nước ngoài lựa chọn đầu tư tại Việt Nam để tận dụng những chính sách và môi trường thuận lợi dành cho họ.

Đầu tư nước ngoài đã góp phần quan trọng vào xuất khẩu và tăng trưởng kinh tế ổn định của Việt Nam trong suốt những năm qua. Đồng thời, Việt Nam đã có nhiều thay đổi tích cực về luật pháp và thể chế, nhằm đơn giản hóa thủ tục và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Việt Nam đã và đang thực hiện các cam kết đặt ra khi gia nhập WTO, cắt giảm thuế, mở cửa thị trường cho hàng hóa và dịch vụ các nước, điều đó giúp cho người tiêu dùng Việt Nam có cơ hội được tiếp cận các sản phẩm tốt hơn với giá rẻ hơn.

Gia nhập WTO đã mở ra một thời kì hội nhập kinh tế quốc tế mạnh mẽ của Việt Nam, với việc đàm phán và kí kết nhiều hiệp định tự do song phương và đa phương. Ông đánh giá như thế nào về quá trình đó?

Trước hết phải khẳng định rằng, hội nhập kinh tế quốc tế là quá trình tất yếu đối với Việt Nam. Các hiệp định thương mại tự do mang lại cơ hội cho cả người tiêu dùng và doanh nghiệp trong nước, giúp hàng hóa dịch vụ Việt Nam tiếp cận với những thị trường khó tính nhất và tiềm năng nhất. Tôi hy vọng Việt Nam sẽ đẩy nhanh đàm phán và có thể kí kết những FTA quan trọng và hiệp định TPP trong thời gaian tới.

Hội nhập kinh tế quốc tế là một quá trình lâu dài. Theo ông, cần làm gì để đối mặt với thách thức và tận dụng tốt hơn những lợi thế từ WTO?

Trước hết, cần phải tiếp tục cải cách, nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam cả ở thị trường trong nước và quốc tế. Doanh nghiệp càng mạnh thì càng có khả năng tận dụng tốt các lợi thế từ WTO. Rất nhiều việc cần tiếp tục tiến hành trong lĩnh vực cải cách thủ tục và thể chế, cải thiện cơ sở hạ tầng, giảm giá thành đầu tư cho các doanh nghiệp. Và quan trọng nhất là cần phải nâng cao năng lực và trình độ của lao động Việt Nam, sao cho họ nắm bắt những cơ hội việc làm tốt hơn, đón đầu làn sóng đầu tư nước ngoài sắp tới tại Việt Nam.

Ông có thể cho biết nhận định của ông về triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2015?

Kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục đà tăng trưởng ổn định từ 2014. Lạm phát thấp, tỉ giá khá ổn định và hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng. Nhưng đồng thời, sẽ có những thách thức đòi hỏi Chính phủ Việt Nam phải cải cách mạnh mẽ hơn vào năm 2015 và 2016. Ví dụ, cải cách lĩnh vực ngân hàng sẽ giúp ổn định thị trường tài chính. Cải cách và cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước sẽ giúp thu hút thêm vốn và nâng cao năng lực quản trị của các DN, giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước...

Cũng cần phải tính đến tác động của kinh tế toàn cầu năm 2015 như giá dầu giảm có lợi cho nền kinh tế nhưng sẽ ảnh hưởng đến thu ngân sách của Việt Nam. Nhìn chung, triển vọng cho năm 2015 rất tích cực, nhưng quan trọng là Việt Nam phải nỗ lực ổn định kinh tế vĩ mô và tăng cường cải cách cơ sở hạ tầng.

Xin cảm ơn ông đã tham gia cuộc trao đổi!

 

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước