Động lực mới trong quan hệ Việt Nam - Myanmar

Ban Thời sự-Thứ tư, ngày 18/12/2019 22:27 GMT+7

VTV.vn - Chiều nay (18/12), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Myanmar.

Kết quả của chuyến thăm này không chỉ góp phần tăng cường hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực ngoại giao và quốc phòng mà qua chuyến thăm này Chính phủ hai nước sẽ thúc đẩy tháo gỡ nhiều khó khăn để các doanh nghiệp nghiệp Việt Nam có thể tăng cường hiện diện và mở rộng đầu tư, thương mại không chỉ với một đối tác truyền thống mà còn là một thị trường rất tiềm năng.

Một lễ đón trọng thị với nghi thức cao nhất, một cử chỉ nhỏ nhưng nói lên nhiều điều đó là Tổng thống U Win Myint đã đến từ khá sớm để chờ đón Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tới thăm chính thức Myanmar lần đầu tiên. Tổng thống đã ra tận cửa xe ô tô để chào đón Thủ tướng, sau nửa năm kể từ cuộc hội kiến ở Hà Nội. Các nhà lãnh đạo Myanmar đều tự hào nhắc lại nhiều lần truyền thống lịch sử của quan hệ hai nước từ thời kỳ đấu tranh giải phóng dân tộc dưới sự dẫn dắt của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tướng Aung San. Viêt Nam và Myanmar có quan hệ từ rất sớm, tháng 11/1954, Thủ tướng U Nu sang thăm Việt Nam và tháng 2/1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Myanmar. 

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân Việt Nam, Chính phủ Myanmar đã tuyên bố phản đối Mỹ ném bom miền Bắc và rải chất độc hoá học ở miền Nam. Chính vì thế, tại cuộc hội kiến với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Tổng thống U Win Myint nhấn mạnh tới mối quan hệ truyền thống gắn bó giữa Việt Nam và Myanmar đã có từ lâu khi hai nước tiến hành cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh còn ở Myanmar là Lãnh tụ Aung San và cũng là thân sinh của bà Aung San Suu Kyi. Trong nhiều năm qua, hai người bạn truyền thống này cũng là đối tác tin cậy, trong ASEAN và tại các diễn đàn quốc tế khu vực và thế giới. Việt Nam luôn giúp đỡ và chia sẻ với những khó khăn mà Myanmar phải đối mặt.

Tại cuộc hội kiến với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Tổng U Win Myint, khẳng định Myanmar luôn xem Việt Nam là đối tác quan trọng và tin cậy. Đồng thời mong muốn hai nước cùng thúc đẩy, tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác trên cơ sở quan hệ Đối tác Hợp tác Toàn diện tốt đẹp hiện nay, cũng như phối hợp chặt chẽ để cùng vượt qua các thách thức chung. Còn Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng khẳng định Việt Nam hết sức coi trọng và luôn mong muốn tăng cường quan hệ với Myanmar và luôn là người bạn tin cậy, ủng hộ, giúp đỡ Mianmar. Trong khi đó, tại cuộc hội đàm với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Cố vấn nhà nước Aung San Suu Kyi cho biết, Chính phủ Myanmar mong chờ chuyến thăm này. Bà cũng bày tỏ sự ấn tượng về phát triển kinh tế - xã hội và đối ngoại của Việt Nam trong thời gian qua và cho biết, Myanmar coi đó là niềm cảm hứng cho nhân dân trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước hiện nay.

Trước đề nghị của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chính phủ Myanmar cũng nhất trí tiếp tục đơn giản hóa các thủ tục cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, đi cùng với thu hẹp danh mục các mặt hàng nhập khẩu mà Việt Nam cần xin giấy phép. Mặc dù đang duy trì các chính sách mở cửa nền kinh tế khá thận trọng, nhưng Chính phủ Myanmar cũng ghi nhận các kiến nghị của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam được tiếp cận nhiều cơ hội đầu tư, kinh doanh hơn tại Myanmar. Hai bên cũng trao đổi về khả năng thành lập một Khu Công nghiệp Việt Nam tại Myanmar nhằm thu hút hơn nữa đầu tư của Việt Nam vào nước này.

Là những người nhìn thấy trước tiềm năng của thị trường Malaysia từ cả chục năm nay, nên một số doanh nghiệp lớn của Việt Nam đã đứng chân được ở thị trường mới mở cửa này từ rất sớm như Viettel với thương hiệu My Tel hay, hay Ngân hàng đầu tư và phát triển Việt Nam, HD Bank và Hoàng Anh Gia Lai hiện do Thaco tiếp quản và điều hành. Về số liệu, các nhà đầu tư Việt Nam hiện đang đứng thứ 5 về vốn đầu tư ở Myanmar với 2,2 tỷ USD. Còn trên thực tế, vốn đầu tư của Việt Nam chỉ đứng sau Trung Quốc và Singapore với 230 doanh nghiệp. Trong đó, Thaco hiện đã đầu tư trên 250 triệu USD vào Myanmar và tới đây sẽ là trên 700 triệu USD. Các doanh nghiệp Việt Nam tăng cường đầu tư vào Myanmar cũng góp phần tăng cường xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vào thị trường này. Nên Việt Nam hiện nay là đối tác thương mại lớn thứ 10 của Myanmar với trên 1 tỷ USD. Với kết quả của chuyến thăm này của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hai Chính phủ sẽ tiếp tục giải quyết các vướng mắc để mở rộng hợp tác giữa hai nước.

Thể hiện cam kết của Việt Nam trong việc tăng cường hợp tác về thương mại và đầu tư với Myanmar như mong muốn của Chính phủ nước này, khi tới thăm Công ty viễn thông My Tel do Viettel đầu tư vào Myanmar hơn một năm nay, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định Việt Nam không xuất khẩu công nghệ lạc hậu mà hợp tác với nước bạn trong ứng dụng công nghệ tiên tiến. Trong đó, Thủ tướng đánh giá cao My Tel đã tiên phong thử nghiệm công nghệ di động 5G ở Myanmar. Thủ tướng cho rằng, với thành công đạt được 8 triệu thuê bao trong 1,5 năm đầu tiên, là do Mytel nhận được sự hỗ trợ mạnh mẽ từ thành quả phát triển công nghệ của Viettel, nhất là thành tựu công nghệ 5G. Thủ tướng khẳng định, Việt Nam sẽ đưa những công nghệ tiên tiến nhất, hiện đại nhất sang đầu tư và chuyển giao tại Myanmar.

Cùng với các doanh nghiệp sang đầu tư tại Myanmar, thì một số ngân hàng lớn của Việt Nam như BIDV đã mở chi nhánh ở Yangon. Để hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam tiếp tục vững chân ở thị trường này, trong sáng nay, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chính thức khai trương Văn phòng đại diện của HD Bank đầu tiên tại Myanmar, đồng thời chứng kiến lễ ký thỏa thuận hợp tác toàn diện với Vietel Global. Với việc có thêm sự hiện diện của các ngân hàng Việt Nam ở Myanmar sẽ hỗ trợ đắc lực cho các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư và giao thương ở thị trường này.

Chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc một lần nữa củng cố sự tin cậy cao giữa Việt Nam và Myanmar, đặc biệt tình cảm hữu nghị truyền thống giữa hai nước. Chuyến thăm của Thủ tướng ngay trước thềm Việt Nam đảm nhận Chủ tịch ASEAN 2020, càng tăng thêm ý nghĩa vì không chỉ thúc đẩy quan hệ song phương giữa hai nước, mà còn tăng cường sự chia sẻ, thông cảm, ủng hộ nhau trong quá trình tham gia hợp tác khu vực mà đặc biệt là củng cố sự hợp tác trong ASEAN ngày càng mạnh mẽ thêm.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước