“Xẩm trà đá” được sử dụng điệu hát xẩm để truyền tải những thông tin thời sự được nhiều người quan tâm. Trước đó, nhóm đã từng kết hợp xẩm với hiphop và beatbox, thu hút được sự chú ý của đông đảo công chúng, đặc biệt là công chúng trẻ tuổi.
Nghệ sĩ Khương Cường, Nhóm Xẩm Hà Thành chia sẻ: “Không muốn xẩm chỉ nằm trong kho lưu trữ, mà muốn xem nếu xẩm hay thì có truyền tải được những nội dung đương đại hay không? Đó là lý do nhóm bàn bạc về ý tưởng xẩm trà đá”.
Hơn 10 năm nay, sân khấu hát xẩm của Trung tâm Phát triển Nghệ thuật âm nhạc Việt Nam đã trở thành nếp văn hóa của phố cổ Hà Nội mỗi dịp cuối tuần. Đáng chú ý, không chỉ phần lớn khán giả là người trẻ tuổi, mà đội ngũ nghệ sĩ cũng đang dần trẻ hóa.
Trương Hà My, Sinh viên Đại học Ngoại thương nói: “Em đi chợ đêm vô tình gặp chương trình âm nhạc hát xẩm, em thấy khá thú vị và độc đáo”.
Nghệ thuật hát xẩm đã có hơn 700 năm lịch sử và từng gần như thất truyền từ thập niên 60 của thế kỷ trước. Những năm gần đây, bộ môn này được phục dựng và đã thu hút đông đảo công chúng quan tâm. Các nghệ sĩ và các nhà nghiên cứu cho biết, để hát xẩm có thể tồn tại lâu dài trong cộng đồng thì cần chú trọng đưa hát xẩm đến với giới trẻ cũng như đào tạo lớp nghệ sĩ trẻ kế cận.
Bảo tồn và phát huy một cách bền vững nghệ thuật hát xẩm là vấn đề chung của các loại hình nghệ thuật truyền thống. Những nỗ lực tìm tòi cách tân để thu hút giới trẻ theo dõi và tham gia biểu diễn như nhóm Xẩm Hà Thành và Trung tâm Nghiên cứu và phát triển Nghệ thuật Việt Nam đang thực sự giúp cho loại hình nghệ thuật này tìm được chỗ đứng trong đời sống hiện đại.
Mời quý vị xem video chi tiết.
Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam.