Hướng tới cộng đồng ASEAN: Còn rất nhiều việc phải làm

Tuấn Trung - Chu Chỉnh-Chủ nhật, ngày 31/05/2015 07:00 GMT+7

Hình minh họa

VTV.vn - Năm 2015 sẽ là năm bản lề của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á - ASEAN, đánh dấu bước trưởng thành to lớn trong liên kết nội khối cũng như vai trò của tổ chức đối với khu vực.

Tuy nhiên, những thách thức đe dọa hòa bình, an ninh, ổn định và thịnh vượng chung của khu vực vẫn là thực tế hiện hữu, đòi hỏi ASEAN, mà trực tiếp là trụ cột về chính trị - an ninh của cộng đồng này phải được xây dựng trên nền tảng thực lực đủ mạnh, được cố kết trên cơ sở lòng tin và sự hiểu biết lẫn nhau giữa các thành viên.

Biến đổi khí hậu, bệnh dịch, buôn người, cướp biển, tranh chấp lãnh thổ… là một vài ví dụ về những thách thức an ninh mà các quốc gia trong Hiệp hội ASEAN đã và đang phải cùng nhau đối mặt. ASEAN rõ ràng cần có sự liên kết cao hơn trong nội khối để đương đầu với những thách thức xuyên biên giới đó. Và tầm nhìn về một Cộng đồng chính trị - an ninh ASEAN được kỳ vọng là một giải pháp.

Không nhằm xây dựng một liên minh quân sự hay một siêu quốc gia, cộng đồng chính trị - an ninh, một trong ba trụ cột của cộng đồng ASEAN, hướng đến một cộng đồng gắn kết trên nền tảng những giá trị chuẩn mực chung và chia sẻ trách nhiệm về một nền an ninh toàn diện, mà trước hết và trên hết là duy trì môi trường hòa bình, ổn định ở khu vực.

PGS. Phạm Quang Minh, Phó Hiệu trưởng Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng: “Cộng đồng an ninh chính trị là một trong ba mục tiêu quan trọng của ASEAN trong thời gian tới, nhưng điều quan trọng cơ bản ở đây chính là giữ cho được một môi trường hòa bình. Tôi không nghĩ rằng chúng ta sẽ giải quyết được tất cả các mâu thuẫn và tranh chấp, mà điều quan trọng là làm sao phải giữ được môi trường hòa bình và ổn định”.

Tầm nhìn là vậy, nhưng để đạt được một cộng đồng như vậy trên thực tế còn rất nhiều khó khăn. PGS. TSKH Trần Khánh, Tổng biên tập Tạp chí nghiên cứu Đông Nam Á, Viện nghiên cứu Đông Nam Á nhận định: “Trong hiện tại và tương lai, việc xây dựng cộng đồng ASEAN nói chung và cộng đồng an ninh chính trị nói riêng đang gặp nhiều thách thức. Thách thức thứ nhất là từ bên trong nội tại của ASEAN, tức là sự chưa thống nhất về nhận thức và hành động chiến lược của ASEAN trong đoàn kết, thúc đẩy sự hợp tác trong các lĩnh vực khác nhau, từ an ninh truyền thống đến phi truyền thống. Còn thách thức bên ngoài, tham vọng chính trị của các nước lớn làm phân rã ASEAN và điều này sẽ tạo ra khó khăn cho các nước không những trong phát triển kinh tế, mà còn trong chính sách đối ngoại”.

Những thử thách đó không chỉ đòi hỏi ý chí chính trị, nỗ lực cao hơn của từng quốc gia thành viên, mà còn đặt họ trước yêu cầu phải tăng cường chia sẻ, hiểu biết lẫn nhau, từng bước tạo dựng lòng tin chiến lược, vì lợi ích chung.

PGS. Phạm Quang Minh cũng cho rằng: “Điều quan trọng nhất hiện nay đối với các nước ASEAN là phải tăng cường cái gọi là sự hiểu biết và kết nối. Cho đến nay, thực sự các nước ASEAN vẫn chưa hiểu biết lẫn nhau nhiều. Chúng ta có thể biết về các khu vực khác, các quốc gia khác, nhưng sự quan tâm về cái hiểu biết giữa các quốc gia với nhau còn rất ít. Tăng cường hiểu biết bằng cách tăng cường trao đổi, học tập lẫn nhau. Thứ hai, các nước ASEAN phải tăng cường nội lực của mình. Một khi các nước ASEAN có được năng lực tốt, có nền kinh tế phát triển, thì lúc đó các nước ASEAN sẽ mạnh lên, một khi các nước ASEAN mạnh lên thì hòa bình sẽ được ổn định”.

Năm 2015 khép lại một chặng đường gần 50 năm trưởng thành của ASEAN, mở ra giai đoạn phát triển cao và toàn diện hơn của khu vực. Còn rất nhiều việc phải làm để Hiệp hội có thể có một mái nhà chung, nhưng hơn lúc nào hết, các quốc gia ASEAN cần tiếp tục cùng nhau nắm lấy cơ hội vì một khu vực hòa bình, ổn định và phát triển.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.

 

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước