Kí ức nạn đói 1945 qua những bức ảnh của NAG Võ An Ninh

Phương Dung - Quang Khải (Ban Truyền hình Đối ngoại)-Thứ bảy, ngày 29/08/2015 14:00 GMT+7

VTV.vn - Những bức ảnh với giá trị lịch sử lớn lao, lay động lòng người đã giúp người xem có cái nhìn chân thực về nạn đói kinh hoàng của dân tộc 70 năm về trước.

Theo văn hóa truyền thống tâm linh của người Việt, tháng 7 âm lịch được gọi là tháng cô hồn. Cứ đến gần ngày rằm tháng 7, các gia đình thường tổ chức lễ cúng rằm (cúng cô hồn), để cúng thí cho những vong hồn đói khát, không có thân nhân trên trần gian cúng bái. Điều này đã nhắc nhớ tới một sự kiện thảm khốc trong lịch sử đã cướp đi sinh mệnh của hơn 2 triệu đồng bào cách đây 70 năm về trước, đó chính là nạn đói năm 1944-1945. Có thể nói, một trong những người có công lớn nhất trong việc lưu giữ những hình ảnh, tư liệu quý về nạn đói khủng khiếp này trong lịch sử Việt Nam chính là cố nhiếp ảnh gia Võ An Ninh.

Những bức ảnh với giá trị lịch sử lớn lao, lay động lòng người đã giúp người xem có cái nhìn chân thực về nạn đói kinh hoàng của dân tộc 70 năm về trước. Đây cũng là những bức ảnh tư liệu quý giá mà cố nhiếp ảnh gia Võ An Ninh đã trao tặng nhà sử học Nguyễn Quang Ân. Ông cũng là người đã cùng cố nhiếp ảnh gia và các nhà sử học Nhật Bản rong ruổi tới nhiều tỉnh thành trên cả nước để điều tra thực địa và gom nhặt tư liệu về nạn đói 1944-1945.

Ông Nguyễn Quang Ân, Nguyên trưởng phòng Tư liệu, Viện Sử học Việt Nam nhớ lại: “Nhiếp ảnh gia Võ An Ninh dẫn tôi đến từng điểm Cụ đã từng chụp ảnh năm 1945 như chợ Hàng Da, Cụ dẫn tôi đến một quán có một phụ nữ bị những người thu gom xác người chết vứt lên xe nhưng bà vẫn cố kêu lên: “Tôi chưa chết đâu, các ông đừng chôn tôi nữa”. Khi nghe câu đó chúng tôi vô cùng xúc động, các nhà sử học Nhật Bản quay đi lau nước mắt”.

Cũng từ những bức ảnh tư liệu quý giá của cố nhiếp ảnh gia Võ An Ninh, phóng viên đã tìm đến nghĩa trang Hợp Thiện nằm tại khu Kim Ngưu, Hà Nội. Đây cũng là một trong những di tích lịch sử quý hiếm liên quan đến nạn đói 1945 còn lại đến ngày nay.

Ông Đặng Văn Tuyến, Người trông nom Nghĩa trang Hợp Thiện, Hà Nội cho biết: “Trước đây nghĩa trang rất vắng vẻ vì đây là khu vực ngoại ô. Sau nạn đói năm 1945, đồng bào chết đói được quy tập về đây, đến năm 2003, được sự quan tâm của Nhà nước, nghĩa trang mới được quy tập lại và đến nay đã khang trang hơn rất nhiều”.

Những bức ảnh vô giá khắc họa một phần bi thương của lịch sử Việt Nam đã đóng góp vai trò quan trọng trong kho tư liệu lịch sử quý báu của dân tộc. 70 năm đã trôi qua kể từ sau nạn đói, các tư liệu lịch sử ghi chép rất ít, những người trải qua thảm họa ấy nay còn sống cũng không nhiều, người trẻ lớn lên chỉ nghe kể lại, biết đến câu "chết đói năm 45" rồi cũng có thể lãng quên. Nhưng chính những hình ảnh, cuốn sách, tư liệu lịch sử nhắc lại nạn đói không phải khơi gợi nỗi đau quá khứ, mà là để người sống tưởng nhớ và thấu hiểu sâu sắc hơn về một thảm họa từng ghi dấu trong lịch sử dân tộc.

Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước