Dự kiến đóng góp do quốc gia tự quyết định, hiểu một cách ngắn gọn, là cam kết của mỗi nước tham gia Công ước khung của LHQ về Biến đổi khí hậu (UNFCCC), góp phần làm giảm lượng phát thải gây hiệu ứng nhà kính.
Ông Phạm Văn Tấn, Phó trưởng ban thường trực, Ban công tác đàm phán của Việt Nam về Biến đổi khí hậu cho biết: “Trên cơ sở tất cả các nghiên cứu của Việt Nam từ trước đến nay về vấn đề biến đổi khí hậu cũng như dự báo phát triển kinh tế, xã hội từ nay tới năm 2030, nhóm công tác đã làm việc và tập hợp các nội dung thành báo cáo của Việt Nam”.
Thời hạn cuối cùng để các nước đệ trình bản báo cáo này sẽ là tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu lần thứ 21 sắp diễn ra tới đây tại Paris, Pháp. Việt Nam đã thành lập nhóm công tác phụ trách nghiên cứu và xây dựng bản báo cáo của riêng mình, chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh này.
Việc xây dựng bản báo cáo dự kiến đóng góp do quốc gia tự quyết định hiện thu hút sự tham vấn của đông đảo các tổ chức, trong đó có các tổ chức phi Chính phủ. Đây là những cơ quan, đơn vị có tiếp xúc trực tiếp, thường xuyên và hiểu rõ những khó khăn do tình trạng biến đổi khí hậu gây ra đối với cộng đồng dân cư.
Hội nghị thượng đỉnh COP-21, với sự tham gia của 195 quốc gia, dự kiến sẽ diễn ra từ 30/11 đến 11/12 tại Paris, Pháp. Hội nghị được kỳ vọng sẽ là cơ hội cuối cùng để tất cả quốc gia đạt được một thỏa thuận nhằm hạn chế nhiệt độ Trái đất không tăng quá 2°C so với thời kỳ tiền công nghiệp.
Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam!