Một trong những nội dung của biên bản ghi nhớ giữa BIDV và VTB là thúc đẩy thanh toán song phương bằng đồng nội tệ của hai nước. Ảnh: Hội doanh nghiệp
Theo đánh giá của các chuyên gia, hiện nay khả năng thực hiện cơ chế thanh toán này đã chín muồi. Hơn nữa, khi thương mại và đầu tư được xác định là lĩnh vực hợp tác mũi nhọn giữa Việt Nam và Nga, các doanh nghiệp hai nước cũng rất muốn được làm việc theo cơ chế đó.
Giống như các công ty xuất nhập khẩu Việt Nam, Công ty chế biến và xuất khẩu thủy sản Hùng Vương từ lâu đã đối đầu với trở ngại trong thanh toán tiền hàng. Các ngân hàng của Nga không dễ dàng cho mở L/C, chi phí mở lại đắt. Ngân hàng Việt Nam lại chưa có chế độ hỗ trợ cho doanh nghiệp trong bán hàng trả chậm cho Nga. Đây là một cản trở lớn cho các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu và là một trong những khó khăn lớn nhất trong thương mại giữa Việt Nam và Nga.
Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt - Nga ngày 7/4 tại TP.HCM, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng BIDV Trần Bắc Hà và Chủ tịch Ngân hàng VTB của Nga Andrey Kostin đã trao Biên bản ghi nhớ được ký kết giữa hai bên về tăng cường phục vụ đẩy mạnh hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và LB Nga. Theo đó, hai ngân hàng này sẽ xây dựng cơ chế thanh toán bằng đồng nội tệ để hỗ trợ hoạt động thanh toán xuất nhập khẩu giữa hai nước.
Ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch HĐQT BIDV nhận định: “Đặc biệt trong thanh toán song phương nếu được thanh toán với nhau, đó là điều tốt nhất, không phải đi đường vòng, qua nước thứ ba, đó là con đường ngắn nhất. Lợi ích này trước hết là việc đảm bảo rổ ngoại tệ của Việt Nam, Việt Nam có thêm đồng Ruble và Nga có VND. Thứ hai là tiết kiệm được chi phí trong công tác thanh toán. Thứ ba là việc hoán đổi đó còn liên quan tới việc bù trừ trong trao đổi hàng với nhau. Đây là lợi ích cân bằng”.
Chủ tịch Ngân hàng Thương mại VTB cho rằng: “Thời điểm đã chín muồi cho vấn đề này. Chúng ta đã có thể tiến hành thanh toán bằng nội tệ hai nước, tất nhiên chưa phải là trong tất cả các giao dịch, nhưng việc này sẽ mở rộng khả năng của các công ty, trong đó có các công ty Việt Nam, kể cả những công ty lớn nhất trong việc tiếp cận các dịch vụ và tài chính”.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.