Trong bối cảnh kinh tế thế giới ngày càng sôi động, xây dựng thương hiệu đã và đang là vấn đề cấp thiết của các doanh nghiệp, đặc biệt là với những doanh nghiệp “sinh sau đẻ muộn”. Vậy đâu là hướng đi cho những người đến sau muốn xây dựng thương hiệu.
Đây cũng là một trong những chủ đề được đưa ra thảo luận tại Diễn đàn Các vấn đề Thương hiệu Việt Nam 2015 do Học viện Thương hiệu và Truyền thông Sage tổ chức tại Hà Nội. Diễn đàn đã thu hút hơn 500 doanh nghiệp, quy tụ các diễn giả nổi tiếng, những chuyên gia marketing - thương hiệu, cùng lãnh đạo các doanh nghiệp lớn tại Việt Nam.
Việc đổi tên Thị trấn Buford thành PhinDeli theo tên một quán cà phê duy nhất của thị trấn cùng với phương thức phân phối café qua mạng Amazon là chiêu tiếp thị “không gì là không thể” của một người Việt trên đất Mỹ. Chiến lược xây dựng thương hiệu non trẻ từ sự khác biệt hóa của Thị trưởng người Việt đầu tiên tại Hoa Kỳ, Phạm Đình Nguyên đã hâm nóng diễn đàn.
Ông Phạm Đình Nguyên, Tổng Giám đốc công ty PhinDeli chia sẻ: “Trước hết chúng ta phải khác biệt, nếu không khác biệt chúng ta sẽ chết. Thứ hai, chúng ta là thương hiệu đến sau, chúng ta không rớt vào bẫy của những thương hiệu đi đầu vì họ lắm tiền nhiều của, chúng ta bắt buộc phải đi riêng. Thứ ba, chúng ta cứ mạnh dạn thử sản phẩm trên thị trường, nhận phản hồi của khách hàng sau đó chúng ta điều chỉnh”.
Nhưng thành công của một thương hiệu mới như PhinDeli không phải là điều phổ biến, bởi hiện nay các doanh nghiệp đi sau vẫn đang phải loay hoay với bài toán định vị thương hiệu. Thay cho việc làm tốt hãy làm khác đi là giải pháp được chuyên gia xây dựng thương hiệu đưa ra.
Ông Nguyễn Đức Sơn, Giám đốc chiến lược thương hiệu Richard Moore Associates cho rằng: “Thực tế tốt hơn rất khó bởi bạn tốt hơn một chút, bạn rất cần nguồn lực nhưng bạn trở nên khác biệt là bạn tốt hơn đối thủ, nguồn lực của bạn không nhiều thì bạn vẫn làm được”.
Nhiều doanh nhân tại diễn đàn cũng cho rằng, để xây dựng được thương hiệu cần bắt đầu từ giá trị cốt lõi của doanh nghiệp. Quá trình vận hành và định hướng doanh nghiệp sẽ tạo tiền đề cho các chiến lược phát triển thương hiệu, đặc biệt là với doanh nghiệp đi sau.
Đến sau chưa hẳn đã là thiệt thòi và đi trước chưa chắc sẽ mãi trụ vững, quy luật đào thải khốc liệt trên thương trường là điều không thể lường trước. Biến thương hiệu thành tài sản vô hình để sử dụng một cách tối ưu và ngày càng có giá trị là mục tiêu mà bất cứ doanh nghiệp nào cũng muốn hướng tới trong khi điều đó chỉ có thể dựa vào thực lực của chính các doanh nghiệp trên một sân chơi kinh tế đang toàn cầu hóa.
Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam!