Vụ việc nhóm công nhân Việt Nam tại Khanchela, Algeria xảy ra vụ xô xát với nhóm công nhân Trung Quốc ngày 16/9 vừa qua đang được dư luận đặc biệt quan tâm, nhất là các thân nhân gia đình của những lao động này. Vậy cho đến nay, thực tế tình hình người lao động ra sao? Công tác bảo hộ công dân đối với các lao động này đã và đang được tiến hành thế nào?
Do hệ thống thông tin liên lạc không được thuận tiện, anh Nguyễn Khắc Tài và ông Nguyễn Văn Huy đều đang rất lo lắng về tình hình thân nhân của mình hiện đang làm việc tại Khanchela, Algeria.
Ông Nguyễn Văn Huy - Thân nhân người lao động Việt Nam tại Algeria nói: ‘Hiện nay, đồ ăn thức uống không có, chúng tôi mong các cơ quan thẩm quyền bằng cách sớm nhất giúp cho con em chúng tôi về nước an toàn’.
Thân nhân của anh Nguyễn Khắc Tài và ông Nguyễn Văn Huy nằm trong nhóm 57 công nhân được Công ty SIMCO Sông Đà tuyển cử đi Algeria làm việc tại Công ty TNHH xây dựng công trình Đông Nhất Giang Tô, một chủ thầu của Trung Quốc đang thực hiện các dự án tại thành phố Kanchela.
Do những bất đồng với chủ lao động về thời gian làm việc, khối lượng công việc cũng như tiền lương, ngày 16/9, một vụ xô xát giữa hai nhóm lao động Việt Nam và Trung Quốc đã xảy ra. Vụ việc khiến 2 lao động Việt Nam bị thương và 7 lao động Việt Nam khác bị chủ lao động cô lập.
Thạc sĩ Lý Quốc Tuấn, Công sứ - Phó Cục trưởng Cục Lãnh sự - Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết: ‘Ngay khi sự việc xảy ra, ngày 17/9, Đại sứ quán đã có những phản ứng lập tức và kịp thời: cử ngay cán bộ của Đại sứ quán đến địa điểm đó để tìm hiểu tình hình, thăm hỏi anh em công nhân, sau đó tiếp xúc với chủ thầu người Trung Quốc. Đại sứ quán cùng đại diện Công ty Sông Đà đã đưa ra thỏa thuận với chủ thầu. Thứ nhất, phải ổn định lại mức khoán cho thống nhất. Thứ hai, phải thỏa thuận về mức lương. Thứ ba, trong vụ xô xát vào ngày 17/9, đã có 2 công nhân Việt Nam bị thương nên Đại sứ quán đã thăm hỏi. Hiện nay, sức khỏe 2 công nhân này bình thường. Đại sứ quán đang thu xếp cho 2 công nhân này về nước. Tuy nhiên, 2 công nhân đang muốn chờ xem chủ thầu giải quyết với họ ra sao về vấn đề bồi thường’.
Cũng theo Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao Việt Nam, hiện đã có 7 lao động Việt Nam đồng ý với mức khoán mới và sẽ chuyển sang làm việc ở công trình mới, 23 người khác đồng ý với mức khoán lao động mới, nhưng chưa quyết định việc chuyển sang chỗ làm khác; số ít lao động còn lại có nguyện vọng được về nước.
Hiện Đại sứ quán Việt Nam tại Algeria và đại diện Công ty Sông Đà đang tiếp tục làm việc với Công ty Đông Nhất Giang Tô và cơ quan chức năng sở tại để bảo vệ quyền lợi và giải quyết các nguyện vọng của số lao động Việt Nam tại đây. Đối với số lao động có nguyện vọng về nước, Quỹ bảo hộ công dân có thể sẽ được sử dụng để tạm ứng chi phí đi lại, ăn ở trong thời gian chờ làm thủ tục xuất cảnh về nước.
Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao Việt Nam khuyến cáo:
Trong trường hợp xảy ra các tình huống tương tự, người lao động Việt Nam ở nước ngoài hoặc thân nhân của các lao động này ở Việt Nam cần liên lạc ngay với cơ quan đại diện Việt Nam ở nước sở tại, hoặc qua đường dây nóng bảo hộ công dân và pháp nhân Việt Nam ở nước ngoài theo số: 0084.462.844.844 hoặc 0084.981.848.484
Các lao động và người thân của các lao động đang ở Algeria có thể liên lạc qua số: 0021.321.608.842 để được hỗ trợ chính thức và kịp thời từ cơ quan chức năng Việt Nam.
Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam!