Bài hát "Lên đàng" và sự ra đời của Thanh niên tiền phong, lực lượng đặc biệt của Nam bộ trong Cách mạng tháng 8 được xem là sự hội tụ lịch sử của tiếng hát và cách mạng. Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước, một trong hai tác giả của "Lên Đàng", đã chọn nhịp hành khúc với 5 nốt nhạc rất quen thuộc trong các điệu lý hay bài bản tổ của vọng cổ để làm sao dễ thuộc, dễ hát, để cất lên tiếng hát cũng là lời thúc giục thanh niên đứng lên vì nước nhà. "Lên đàng" ngay lập tức trở thành lời hiệu triệu và suốt 75 năm qua, điệp khúc "nào anh em ta cùng nhau xông pha lên đàng" đã luôn cất lên hùng tráng với các thế hệ trẻ Việt Nam.
90 tuổi đời, 70 tuổi Đảng, cuộc đời gắn với những bước ngoặt của lịch sử đất nước, nhưng với ông Nguyễn Trọng Xuất, ký ức về những ngày tháng tháng 8 năm 1945 của cậu thiếu niên tiền phong luôn đậm nét. Ký ức ấy gắn với 1 bài ca như ngọn đuốc sáng soi đường cho hàng trăm ngàn thanh thiếu niên Nam bộ lúc bấy giờ.
Hơn 20 năm sau, thế hệ của những đêm không ngủ "hát cho đồng bào tôi nghe" cũng được truyền lửa bởi tinh thần, khí phách "Lên đàng". Khi ấy không thiếu những bài hát phong trào nhưng để tập hợp sức mạnh của những bầu nhiệt huyết yêu nước, thì luôn cất tiếng hát bài "Lên đàng".
Với thế hệ trẻ Việt Nam hôm nay, tinh thần lên đàng của mùa thu lịch sử 75 năm trước tiếp tục là lời hiệu triệu tinh thần yêu nước và khát vọng cống hiến xây dựng đất nước. Tinh thần của Cách mạng tháng 8 vẫn đang được tiếp nối hàng ngày, hàng giờ để làm rạng danh hai tiếng Việt Nam.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!