An Giang: Giữ tiếng đặc sản đường thốt nốt

Minh Xuân, Phú Cường, Ngọc Tuyết (VTV9)Cập nhật 11:57 ngày 10/05/2020

VTV.vn - Nhiều người tiêu dùng mất lòng tin vào đường thốt nốt do tình trạng trộn đường cát, hóa chất. Làm thế nào để giữ tiếng đặc sản này đang là vấn đề đặt ra cho tỉnh An Giang.

Anh Nguyễn Văn Lượm gần 40 tuổi, trú tại thị trấn Nhà Bàn, Tịnh Biên, là người trẻ nhất khu vực Nhà Bàn còn theo nghề leo cây thốt nốt. Anh không thể thuê thêm người phụ bởi đặc tính cây thốt nốt, nếu thay người leo, không thuộc “tính nết” riêng từng cây, có thể làm giảm lượng mật từ 50 – 70%. Hơn nữa, những người trẻ tuổi hơn thì ngại gắn bó với công việc “hứng nước trên trời”.

Thiếu lực lượng lao động để lấy nguyên liệu là một trong các nguyên nhân dẫn đến việc nhiều cơ sở tìm cách để bù vào số lượng bằng cách trộn đường cát, phụ gia. Những nguyên nhân khác là vì tiện lợi, nhẹ công.

Gia đình anh Lượm, trong suốt nhiều năm trước cũng đi theo con đường này. Chỉ đến khi gặp chị Chau Ngọc Dịu, một người trẻ bỏ công việc ổn định ở TP.HCM tìm về quê hương, quyết tâm khởi nghiệp từ tài nguyên bản địa. Cũng là đường thốt nốt, nhưng phải quay về cách làm truyền thống từ xa xưa.

Sản phẩm hiện nay đã được công nhận 4 sao trong chương trình OCOP của tỉnh An Giang. Để được như vậy, phải qua hàng chục lần kiểm tra chất lượng, chỉnh sửa từng chi tiết nấu đường, cải tiến thiết bị giữa công ty và nông hộ. Hành trình phía trước vẫn còn rất dài, vì hiện nay công ty mới chỉ gắn bó được với gia đình anh Lượm, quy mô sản xuất vẫn còn nhỏ. Nhưng chị Dịu không vội. Chị tin rằng mình đã có những bước đi đầu tiên vững chãi, và tin vào chất lượng danh tiếng của đặc sản quê hương.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Giữ đam mê chế tác đàn ghi ta ở phố biển

VTV.vn - Cây đàn ghi ta, tiếng đàn ghi ta- có lẽ đã quá quen thuộc với mọi người. Nhưng, không phải ai cũng tận mắt nhìn thấy đàn ghi ta được làm ra như thế nào.