Việc Việt Nam trồng được đông trùng hạ thảo được xem là thành công về công nghệ khi hàm lượng các chất đạt 65 - 70% sản phẩm của Tây Tạng với mức giá thấp hơn đến 20 lần. Một bài toán so sánh cho thấy rõ, 1kg đông trùng hạ thảo Tây Tạng có mức giá tới hàng tỷ đồng, còn sản phẩm của Việt Nam chỉ có giá 50 triệu đồng.
Tuy nhiên, vì công dụng, đôi khi giá thành không phải là yếu tố tiên quyết để chọn mua. Ngoài ra, điều khó khác là doanh nghiệp trong nước hầu hết chỉ làm ra được các chế phẩm dạng thô, còn thực phẩm chức năng phải nhập khẩu từ nước ngoài.
Để cạnh tranh, đông trùng hạ thảo được nuôi cấy trên cơ chất tổng hợp gạo lứt, nước dừa và một số loại ngũ cốc khác để hạ giá thành, đổi mới sản phẩm, đa dạng hóa chủng loại nhằm dễ tiếp cận hơn với người tiêu dùng. Tuy nhiên, việc nhân rộng đòi hỏi phải có sự đầu tư nghiêm túc của doanh nghiệp, đồng thời cần sự quan tâm của Nhà nước, liên kết chặt chẽ các bên trong việc phát triển một sản phẩm có giá trị cao, 100% "made in Việt Nam" như đông trùng hạ thảo.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!