Trung tâm Bảo trợ xã hội cơ sở 2 tỉnh Bình Dương hiện đang là nơi nuôi dưỡng cho khoảng 220 đối tượng đủ các lứa tuổi và giới tính. Để đảm bảo cho việc sinh hoạt của các đối tượng được nuôi dưỡng tại đây được tốt nhất, đơn vị này đã ban hành quy trình quy định các nhân viên làm việc, phục vụ, tiếp xúc các đối tượng theo nhóm tránh riêng lẻ, với khoảng 20 người/nhóm vào buổi sáng và 5 người/nhóm vào buổi tối, nên khi xảy ra vụ tố cáo hiếp dâm ai nấy đều bất ngờ.
Một điểm cũng được xem là sơ hở tạo điều kiện cho kẻ gian có thể thực hiện hành vi xấu của mình nếu muốn, đó là tại Trung tâm Bảo trợ xã hội này hiện chỉ có 3 camera được lắp đặt để thực hiện công tác giám sát trên diện tích hơn 8.000 m2.
Hiện Bình Dương đang có 1 cơ sở bảo trợ xã hội công lập và 10 cơ sở ngoài công lập. Dù vụ tố cáo hiếp dâm tại Trung tâm Bảo trợ xã hội của tỉnh vẫn đang được điều tra chưa có kết luận cuối cùng, nhưng Sở Lao động Thương binh và Xã hội của tỉnh cũng đã nghiêm túc rà soát lại toàn bộ hệ thống các cơ sở trên và đề ra nhiều biện pháp tăng cường công tác bảo đảm an toàn cho những đối tượng được nuôi dưỡng tại các đơn vị này. Ông Hứa Minh Trung – Phó Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương khẳng định: "Định hướng lâu dài là chúng tôi chú trọng việc đào tạo, bồi dưỡng cho nhân viên và người lao động ở các Trung tâm xã hội để nâng cao kiến thức, phục vụ cho các đối tượng chu đáo, an toàn hơn. Chúng tôi cũng đang làm thủ tục đầu tư để mua sắm thêm trang thiết bị, trong đó có camera để tăng cường công tác giám sát trong lúc các trung tâm này hoạt động".
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!