Trong cuộc họp giao ban trực tuyến với 5 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu các địa phương tận dụng giờ "vàng", ngày "vàng". Người dân chấp nhận chịu thiệt thòi hoặc thậm chí có thể phải "sống khác" như Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân đã nói trong một cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch tại thành phố mới đây với mục tiêu dốc sức cùng cả nước chống dịch.
Theo Bí thư Thành ủy TP.HCM, 15 ngày tới là thời điểm dịch COVID-19 lây lan rất nhanh, nhất là khi số ca nhiễm ở Việt Nam đã vượt qua mốc 100. Kinh nghiệm từ các nước Hàn Quốc, Nhật Bản cho thấy nếu trong 2 tuần tới không kiểm soát tốt số ca nhiễm mới, nguy cơ lây nhiễm sẽ tăng theo cấp số nhân, kéo theo đó là sự gia tăng mất kiểm soát số ca phải cách ly tập trung. Hệ quả là công tác điều trị, cách ly gặp rất nhiều khó khăn.
Công tác chống dịch COVID-19 tại Việt Nam được chia làm nhiều giai đoạn. Giai đoạn trước đây là để kiểm soát và ngăn chặn các nguồn lây xâm nhập từ bên ngoài. Theo PGS.TS. Trần Đắc Phu (nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam), 15 ngày tới là thời gian để ngành y tế ngăn chặn nguồn lây lan trong cộng đồng. Đây là nguồn lây rất nguy hiểm vì không thể phát hiện được lây từ đâu, lây từ nguyên nhân nào. Câu chuyện tại Bệnh viện Bạch Mai là một ví dụ.
Tính đến thời điểm này, Việt Nam đã ngăn chặn được nguồn lây nhiễm xâm nhập từ bên ngoài. Nhiệm vụ của 15 ngày tới là khoanh vùng được những nguồn lây tại cộng đồng để không phát sinh thêm ca mắc mới từ nguồn này. Chỉ khi không có thêm nguồn lây mới, công tác chống dịch mới thành công.
Mục tiêu của 15 ngày tới là không để có thêm nguồn lây lan mới trong cộng đồng cũng như hạn chế số lượng người tiếp xúc với người nhiễm. Đây là nhiệm vụ cực kỳ nặng nề nhưng cũng rất quan trọng, quyết định sự thành bại của cuộc chiến chống dịch. Việt Nam đã đi được 2/3 chặng đường trong công tác chống dịch. Những thành quả mà thế giới ghi nhận trong thời gian vừa qua đối với Việt Nam là nhờ vào chính sách đúng đắn, kịp thời và nỗ lực của toàn xã hội.
Chính phủ đã đề ra những hướng đi, giải pháp để ngăn chặn dịch bệnh. Trách nhiệm còn lại là ở mỗi cá nhân. Có thể sẽ có sự bất tiện, khó chịu nhưng người dân đã bỏ qua cảm xúc cá nhân để vì cái chung. Người dân khỏe, đất nước mạnh, xã hội bình yên là điều quyết định chính trong thời gian này.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!