Cảnh báo sức khỏe tâm thần ở tuổi vị thành niên

Đức Hạnh (VTV9)Cập nhật 14:54 ngày 25/11/2019

VTV.vn - Kết quả nghiên cứu của bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, khoảng 30% học sinh THCS và THPT bị rối loạn sức khỏe tâm thần hoặc có dấu hiệu dao động.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, không có sự chênh lệch quá lớn giữa tỉ lệ trẻ bị rối loạn tâm thần giữa khu vực nông thôn và thành thị. Nguy cơ mắc bệnh giữa học sinh trường chuyên và không chuyên là ngang nhau. Nữ giới có nguy cơ mắc các bệnh về sức khỏe tâm thần nhiều hơn nam giới. Tuy nhiên, số ca bệnh nặng phần lớn rơi vào các học sinh nam. Áp lực học tập và các mối quan hệ trong nhà trường bạn bè với bạn bè, học sinh với thầy cô là 2 nguyên nhân lớn nhất dẫn đến các vấn đề sức khỏe tâm thần của học sinh. Đáng chú ý, tình trạng tự tử ở tuổi vị thành niên đang tăng cao nhất là tại các đô thị lớn.

Theo Bác sĩ Lâm Hiếu Minh, Khoa Tâm lí lâm sàng, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.Hồ Chí Minh, rối loạn sức khỏe tâm thần có thể phát sinh ở bất kì đổ tuổi nào, tuy nhiên vị thành niên là độ tuổi dễ mắc và mắc nhiều nhất. Trường hợp bé gái 13 tuổi tự tử vừa qua vì bị mẹ kiểm tra điện thoại là 1 ví dụ.

Có khoảng 50% trẻ ở độ tuổi vị thành niên là có vấn đề về sức khỏe tâm thần. Chỉ tính riêng trong năm 2019, tỉ lệ trẻ bị rối loạn tâm thần tại TP.HCM có hành vị tự làm tổn hại bản thân chiếm đến 46.5%. đây là con số đáng báo động. Bởi, từ hành vi tự làm tổn thương bản thân đến tự tử chỉ là gang tấc.

Cũng theo Thạc sĩ, Bác sĩ Thái Thanh Trúc, nguyên nhân làm gia tăng số lượng trẻ vị thành niên mắc các bệnh về sức khỏe tâm thần, thậm chí là bệnh nặng là do học sinh không được trang bị kiến thức, giáo dục hiểu biết về sức khỏe tâm thần. Trong khi đó, phòng y tế học đường hiện nay vẫn chưa thực hiện hết chức năng của mình.

Hiện tại vẫn chưa có kết quả nghiên cứu nào chỉ rõ mối quan hệ giữa việc gia tăng tỉ lệ tử tự của trẻ với việc sử dụng công nghệ. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc trẻ ngày càng dành nhiều thời gian cho các hoạt động trong không gian ảo sẽ làm mất đi khả năng tương tác trong gia đình, trong khi đây mới là yêu tố cần và đủ để nhà trường và gia đình phát hiện dấu hiệu sớm của bệnh.

Không dễ để phát hiện sớm chứng rối loạn về sức khỏe tâm thần, nên điều quan trọng hơn, là học sinh cần được học kĩ năng để nhận biết và biết cách ứng phó ngay cả với suy nghĩ tử tự. Điều đó chỉ thực hiện được khi nhà trường và gia đình phải là nơi đầu tiên học sinh lựa chọn để chia sẻ, giải bày khi gặp các vấn đề về tâm lí.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Giữ đam mê chế tác đàn ghi ta ở phố biển

VTV.vn - Cây đàn ghi ta, tiếng đàn ghi ta- có lẽ đã quá quen thuộc với mọi người. Nhưng, không phải ai cũng tận mắt nhìn thấy đàn ghi ta được làm ra như thế nào.