Một buổi sáng với câu lạc bộ đờn ca tài tử bên góc chợ. Trong đó, Khánh Hưng là nhạc công nhỏ tuổi nhất. Dù vậy, tiếng đờn sến của em trong “Tương tư dạ khúc” vẫn là thanh âm gây chú ý bởi nó không chỉ chuẩn xác theo từng khuôn nhịp, mà còn xúc cảm theo mỗi chữ đờn. Cậu bé mồ côi bén duyên với cây đờn sến khi mới 6 tuổi. Và người rèn luyện cho em từ ngón luyến, ngón bật đến kỹ thuật reo dây, không ai khác chính là người thầy trẻ măng độc thân mà Khánh Hưng quen gọi là: “Ông 6”.
Khánh Hưng mất cha từ nhỏ. Mẹ cũng bỏ đi biệt xứ khi em vừa tròn 4 tuổi. Cuộc đời cứ ngỡ sẽ rẽ sang một chương tối khác, nhưng may mắn, em còn có ông 6. Anh Nguyễn Văn Anh tình nguyện trong vai trò vừa làm thầy, vừa làm người cha bất đắc dĩ, chăm chỉ mua bán, kiếm tiền nuôi con.
Về sống ở góc chợ này, còn có chị và em gái ruột của Khánh Hưng. Chúng được ông 6 nuôi dạy để trở thành những đứa trẻ tự lập, tự tin như bao đứa trẻ bình thường khác. Tất cả đều được yêu thương, được đến trường, và được phát triển năng khiếu. Nếu như Khánh Hưng có thể chơi thạo mười mấy bản đờn, thì 2 bé còn lại cũng rành vài ba điệu lý. Ông 6 như người nhạc trưởng giấu mặt, âm thầm khơi gợi, nuôi dưỡng niềm đam mê.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!