Theo Bộ NN&PTNT, khâu yếu nhất trong kỹ thuật sản xuất lúa ở ĐBSCL là gieo cấy. Việc bà con sạ lúa với mật độ dày đã khiến giá thành tăng và tiềm ẩn nguy cơ sâu bệnh gây hại, ảnh hưởng đến chất lượng lúa gạo.
Cách đây 3 năm, nông dân xã Thạnh Đông A, huyện Tân Hiệp, tỉnh Kiên Giang đã mạnh dạn đưa máy cấy vào thay thế sức người. Vượt qua mối lo về năng suất, từ 2ha ban đầu, đến nay trên cả xã có hơn 200ha được cấy bằng máy. Tuy nhiên, đó không phải là câu chuyện phổ biến ở ĐBSCL. Hiện toàn vùng chỉ có khoảng 370 máy cấy. Nếu khai thác hết công suất, số lượng này chỉ đáp ứng được khoảng 1% trên tổng diện tích gieo trồng hơn 4,2 triệu ha/năm. Việc thiếu máy móc đã dẫn đến chi phí sản xuất sẽ tăng lên từ khâu đầu tiên.
Hiện giá của máy cấy dao động từ 400 triệu đồng đến gần 1 tỷ đồng mỗi chiếc, số tiền khá lớn đối với mỗi nông hộ. Chính vì vậy, để nâng tỷ lệ cơ giới hóa ở khâu này, giải pháp được đưa ra chính là thành lập những tổ sản xuất, đơn vị cung ứng dịch vụ để nông dân dễ dàng tiếp cận hơn.
Đẩy mạnh cơ giới hóa nông nghiệp ĐBSCL VTV.vn - Sản xuất lúa ở ĐBSCL đóng góp quan trọng cho an ninh lương thực quốc gia nhưng khâu cơ giới hóa còn tương đối thấp, tổn thất sau thu hoạch vẫn còn cao.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!