Còn chủ quan trong chấp hành Luật phòng chống tác hại rượu bia

Hạnh Vân (VTV9)Cập nhật 11:03 ngày 06/01/2020

VTV.vn - Từ Luật phòng chống tác hại rượu bia đến việc chấp hành thực tế còn một khoảng cách khá xa. Nguyên nhân do sự chủ quan, ỷ lại trong nhận thức.

Một buổi ra quân kiểm tra nồng độ cồn của Đội Cảnh sát giao thông Rạch Chiếc, Công an TP.HCM trên tuyến xa lộ Hà Nội. Trong suốt hơn 2 giờ kiểm tra, cảnh sát giao thông đã phát hiện hàng chục trường hợp đã sử dụng rượu bia vẫn tham gia giao thông. Điều đáng nói là khi bị thổi phạt, nhiều tài xế tỏ ra ngạc nhiên vì mình bị phạt, và mức phạt quá cao.

Cũng với lý do "mới uống có 1 ly thôi", nhiều tài xế đã bị lập biên bản xử phạt về nồng độ cồn với kết quả khá thấp, từ 0,04 đến 0,07mg/ lít khí thở. Thậm chí, khi nghe mức xử phạt, cá biệt có một trường hợp tài xế vi phạm đã bỏ chạy. Nhiều tài xế thừa nhận, họ đã chủ quan, vì không nghĩ quy định mới lại có mức xử phạt nặng như vậy.

Theo tiến sĩ Bùi Hồng Quân - chuyên gia tâm lý, có nhiều lý do để nhiều người không thể nói câu từ chối khi được mời rượu: vì cả nể, vì e ngại. Điều quan trọng nhất là họ không đủ bản lĩnh nói lời từ chối với người khác.

Nhiều người hẳn chưa thể quên những vụ tai nạn kinh hoàng xảy ra vào khuya ngày 21/10/2018 tại ngã tư Hàng Xanh, quận Bình Thạnh TP.HCM, một nữ tài xế ô tô đã đâm liên hoàn vào 5 xe máy, làm 1 người chết. Gần hơn, vào khuya ngày 1/5/2019, một người đàn ông điều khiển xe ô tô đã đâm chết 2 phụ nữ ở hầm Kim Liên, Hà Nội. Những tai nạn ấy, có lẽ chỉ bắt đầu từ một ly rượu, ly bia với mục đích uống cho thêm vui. Nếu quy định không chặt chẽ ngay từ đầu, nhận thức của nhiều người sẽ khó lòng chuyển biến./.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Giữ đam mê chế tác đàn ghi ta ở phố biển

VTV.vn - Cây đàn ghi ta, tiếng đàn ghi ta- có lẽ đã quá quen thuộc với mọi người. Nhưng, không phải ai cũng tận mắt nhìn thấy đàn ghi ta được làm ra như thế nào.