Sống ở vùng U Minh Hạ, ông Nguyễn Lâm Hải có hơn 30 năm làm nghề đặt trúm lươn. Với ông, ống trúm bằng tre gai vẫn là lựa chọn số 1, dù đốn tre làm ống trúm có phần cực và nguy hiểm. Một cây tre dài được chia ra thành nhiều đoạn nhỏ, dài khoảng 1 mét 2. Sau đó phải đục thủng các vách ngăn bên trong để những lóng tre thông nhau, chỉ chừa lại phần cuối cùng, ngăn lươn bò ra ngoài. Ống trúm cũng được dùi vài lỗ nhỏ để thông hơi, giúp lươn không bị ngộp.
Dây bòng bong được dùng để đan hom vì rất dai và bền khi ngâm nước. Làm hom ống trúm rất quan trọng, bởi đây là đường vào của lươn, nhưng nếu không khéo chúng sẽ thoát hết ra ngoài. Khâu chuẩn bị cuối cùng, cũng quan trọng không kém, chính là làm mồi. Tùy kinh nghiệm mỗi người mà có cách làm mồi bằng những nguyên liệu khác nhau. Thường là mồi có mùi tanh như ốc, trùn, cá… Tuy háo ăn, nhưng lươn thường trốn dưới bùn vào ban ngày, đến đêm mới đi tìm mồi. Do đó thời điểm đặt trúm thường là chiều muộn và chạng vạng.
Thịt lươn có thể làm được nhiều món ngon, như lươn um lá nhàu, canh chua cơm mẻ, kho sả ớt… và món nào cũng đưa cơm. Tuy không quá cầu kỳ, nhưng lươn đồng vẫn đủ hấp dẫn để khiến nhiều người khó quên được hương vị dân dã của đất trời phương Nam./.
Tận hưởng không gian xanh U Minh Thượng VTV.vn - “U Minh Rạch Giá thị quá sơn trường. Xuống sông sấu bắt, lên rừng cọp tha”. Câu nói cho thấy sự hoang vu, đầy thú dữ của vùng đất U Minh xưa. Ngày nay, U Minh đã thay đổi.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!