Đây là năm ĐBSCL chống hạn mặn thành công so với đợt hạn mặn 2015-2016. Đến giữa tháng 5 năm 2020, vùng ĐBSCL có khoảng 79.000 héc ta lúa bị thiệt hại. Trong khi đó, đợt hạn hán và xâm nhập mặn 2015-2016, diện tích lúa bị ảnh hưởng lên đến 405.000ha. Đối với diện tích cây ăn trái, có 1.700ha bị thiệt hại từ 70% trở lên. Số diện tích này chỉ chiếm hơn 2% diện tích bị ảnh hưởng bởi hạn mặn. Về nước sinh hoạt. Nếu mùa khô năm 2015-2016, toàn vùng ĐBSCL có 210.000 hộ bị thiếu nước thì mùa khô năm 2019-2020 chỉ có khoảng 96.000 hộ. Đây là kết quả đáng khích lệ khi mùa khô này, mặn đến rất sớm và xâm nhập sâu vào các cửa sông lên đến 120 km. Nguyên nhân để ĐBSCL chống hạn thành công đó là sự chủ động. Từ giữa năm 2019, Chính phủ đã yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng với các địa phương khẩn trương thực hiện các giải pháp phòng chống hạn, mặn.
Tuy nhiên, bên cạnh niềm vui chống hạn mặn thành công thì cũng có những nỗi buồn. Đó là diện tích cây ăn trái bị ảnh hưởng bởi hạn hán và xâm nhập mặn. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, toàn vùng ĐBSCL có 80.000ha trong tổng số 370.000ha cây ăn trái bị ảnh hưởng bởi hạn mặn. Ở ĐBSCL, 3 địa phương có diện tích cây ăn trái bị thiệt hại nhiều nhất là Tiền Giang, Bến Tre và Vĩnh Long. Đến thời điểm này, chỉ có tỉnh Vĩnh Long đang có chủ trương hỗ trợ nhà vườn bị thiệt hại do hạn mặn. Để một vườn cây từ lúc trồng đến cho trái phải mất từ 3 đến 4 năm. Đó là chưa kể tiền cây giống ban đầu rất lớn. Người dân rất mong các địa phương khác cũng sớm có giải pháp hỗ trợ để nhà vườn có thể sớm khôi phục lại vườn cây./.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!