Miền Tây đang đứng trước nhiều khó khăn do dịch tả lợn châu Phi. Tại tỉnh Hậu Giang, nơi có ổ dịch tả lợn châu Phi đầu tiên ở ĐBSCL, dịch bệnh đến nay vẫn có xu hướng lan rộng với hơn 1.300 con lợn phải tiêu hủy. Một trong những vấn đề khó nhất của tỉnh này chính là chưa thể xác định được nguyên nhân lây lan dịch bệnh.
Điểm yếu của tỉnh Hậu Giang và có lẽ là vấn đề chung của ĐBSCL là chưa áp dụng nhiều các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học vì hầu hết là chăn nuôi nhỏ lẻ, thiếu vốn đầu tư và thiếu thông tin về dịch bệnh. Tuy nhiên, ở các vùng nông thôn, có một loại thông tin khác không hề thiếu, đó là tin đồn. Dịch bệnh lây nhanh nhưng tin đồn chưa đúng về dịch bệnh còn lan nhanh hơn, khiến những người chăn nuôi cũng như các tiểu thương mua bán thịt ít nhiều bị điêu đứng theo. Không phải ai cũng lo sợ và e dè với thịt lợn trong thời điểm này, nhưng để người tiêu dùng thực sự an tâm tiêu thụ thịt lợn sạch, ngành chức năng các địa phương cần có giải pháp để ứng phó với dịch bệnh hiệu quả hơn.
Dịch tả lợn châu Phi đang lan rộng tại ĐBSCL với ít nhất 7 tỉnh thành đã ghi nhận ổ dịch. Trên thực tế, nỗ lực phòng ngừa dịch bệnh đã được các địa phương triển khai ngay từ đầu năm, nỗ lực khống chế dịch bệnh cũng được quyết liệt triển khai trong khoảng 1 tháng nay. Tuy nhiên, ở một vài địa phương, số lượng lợn mắc virus dịch tả châu Phi vẫn tăng lên từng ngày. Sự chủ động ở các địa phương trước dịch bệnh là có nhưng dường như vẫn còn nhiều cái khó.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!