Tại cuộc họp, Phó Thủ tướngTrịnh Đình Dũng đã yêu cầu các Bộ rút kinh nghiệm trong quá trình điều hành xuất khẩu gạo. Phó Thủ tướng cho rằng, quá trình điều hành xuất khẩu gạo vừa qua có nhiều vấn đề cần phải khắc phục. Thực trạng này khiến dư luận, báo chí, cộng đồng doanh nghiệp phản ánh gay gắt. Trách nhiệm chính thuộc về Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan. Ngoài ra, việc mua dự trữ gạo không đạt mục tiêu và tiến hành rất chậm. Hai Bộ này cần nghiêm túc rút kinh nghiệm về việc phối hợp triển khai nhiệm vụ được Chính phủ giao. Trước mắt, các Bộ, ngành khắc phục ngay những bất cập hiện nay để điều hòa, tránh gây thiệt hại.
Trước tình hình dịch bệnh và hạn mặn gay gắt, việc đảm bảo lương thực cho người dân là đặc biệt quan trọng. Do đó, Phó Thủ tướng khẳng định tuyệt đối không để xảy ra tình trạng thiếu gạo cho người dân cũng như mua đủ lượng dự trữ quốc gia.
7.700 tấn là toàn bộ số gạo mà Tổng cục Dự trữ Nhà nước mua được trong năm 2020, chiếm chưa tới 5% trong tổng số 190.000 tấn gạo dự trữ quốc gia theo yêu cầu Thủ tướng Chính phủ. Nguyên nhân là do hàng loạt doanh nghiệp bỏ thầu, một số chạy theo xuất khẩu. Để bù vào lượng thiếu hụt này, Tổng cục Dự trữ đã có kế hoạch đấu thầu lại 182.300 tấn gạo theo hình thức rộng rãi. Thời điểm mở thầu là ngày 12/5, dự kiến thời hạn nhập kho trước ngày 30/6.
Bảo đảm an ninh lương thực là vấn đề chiến lược, quan trọng. Do vậy, việc thực hiện nghiêm túc hợp đồng bán gạo dự trữ không chỉ là nghĩa vụ mà còn là uy tín, trách nhiệm của doanh nghiệp. Quan trọng nhất vẫn là những ràng buộc, chế tài cụ thể để thực thi hiệu quả. Khó khăn lớn nhất hiện nay của các doanh nghiệp là lượng gạo lớn tồn đọng tại cảng nhưng chưa mở được tờ khai hải quan. Để tháo gỡ, Phó Thủ tướng yêu cầu tạm ứng trước hạn ngạch 100.000 tấn gạo từ hạn ngạch xuất khẩu trong tháng 5/2020.
Trong khi đó, hiện nay lúa Hè Thu đang được đồng loạt xuống giống tại các địa phương. Đến nay, toàn vùng ĐBSCL đã xuống giống được 650.000ha lúa Hè Thu. Kế hoạch của cả vụ là hơn 1,5 triệu ha. Ước tính sản lượng 8,7 triệu tấn lúa sẽ phục vụ nhu cầu tiêu dùng và xuất khẩu. Với nhận định về tình hình sản xuất lúa gạo trong nước như vậy, nhiều chuyên gia đề xuất có thể tăng hạn ngạch xuất khẩu gạo trong thời gian tới. Nguyên nhân là do đây là cơ hội giúp nông dân vượt qua khó khăn hiện nay và gượng dậy sau dịch bệnh.
Trước ngày 25/4, các Bộ, ngành sẽ phải đưa ra đề xuất với Thủ tướng Chính phủ về phương án điều hành xuất khẩu gạo tháng 5/2020 cũng như xây dựng kịch bản điều hành thị trường gạo trong nước và xuất khẩu cho cả năm. Với những bất cập hiện nay, khối lượng công việc còn khá nhiều để hướng tới sự công khai, minh bạch và hài hòa lợi ích của các bên.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!