Nhãn "Made in Vietnam" từng được dán lên những chiếc tivi Asanzo. Làn sóng tẩy chay sản phẩm chỉ xuất hiện khi báo chí, truyền thông phanh phui toàn bộ linh kiện của ti vi này đều được nhập từ Trung Quốc. Cái sai nhìn thấy rõ nhất từ phía doanh nghiệp là sự thiếu trung thực với người tiêu dùng và hành động này đã khiến sản phẩm và doanh nghiệp đánh mất niềm tin của người tiêu dùng. Ti vi Asanzo ngay sau đó đã lập tức bị rời khỏi tất cả quầy, kệ của nhiều hệ thống điện máy trong cả nước.
Nhìn ở góc độ luật pháp, nhiều ý kiến cho rằng, một phần nguyên nhân khiến thị trường hàng hóa đang bị "đánh lận trắng đen" và tạo điều kiện cho doanh nghiệp làm ăn gian dối, có thể lợi dụng khoác lên mình chiếc áo hàng Việt là do Nhà nước chưa có quy định rõ ràng như thế nào mới được gắn nhãn "Sản xuất tại Việt Nam" ("Made in Viet Nam").
Hơn 10 năm qua, với lời kêu gọi người Việt ưu tiên dùng hàng Việt do Bộ Chính trị phát động, điều này thật sự có sức mạnh lan tỏa mạnh mẽ đến cộng đồng. Tuy nhiên, từ khi phát động đến nay, Bộ Công Thương chưa có một quy định hay thông tư cụ thể nào để giúp người dân có thể định nghĩa chính xác thế nào là hàng Việt.
Mỗi người hiểu một nghĩa khác nhau do chưa có một định nghĩa rõ ràng thế nào là hàng Việt. Về phía doanh nghiệp, do không có quy định nên họ tự do gắn lên trên sản phẩm của mình đủ loại nhãn mác như: Xuất xứ Việt Nam, Vietnam Value, Made in Vietnam, Sản xuất tại Việt Nam…
Đã đến lúc cơ quan chức năng nên siết lại các quy chuẩn, quy định cụ thể cho định nghĩa hàng Việt. Đó cũng là điều cấp thiết để tránh tình trạng doanh nghiệp lạm dụng kẽ hở, lập lờ trong việc nhập linh kiện từ nước ngoài về, chỉ gia công lắp ráp nhưng sau đó lại đề là sản phẩm của Việt Nam nhằm trục lợi niềm tin của người tiêu dùng.
Trong khi chờ đợi các Bộ, ngành xem xét sửa đổi, bổ sung các quy định, thông tư phù hợp với thực tế của xuất xứ hàng Việt, chúng ta phải thẳng thắn nhìn nhận, thế giới hiện nay là thế giới phẳng, không thể phủ nhận Trung Quốc đang là công xưởng của cả thế giới. Bản thân Samsung Việt Nam nhập rất nhiều linh kiện từ Trung Quốc và nhiều doanh nghiệp khác cũng làm tương tự. Vấn đề mà người tiêu dùng quan tâm lúc này chính là sự sòng phẳng, minh bạch thông tin của nhà sản xuất đối với họ.
Cần một quy chuẩn cho "Made in Vietnam" VTV.vn - Hàng Việt Nam hay hàng “Made in Vietnam” là cụm từ gây nhiều tranh cãi thời gian qua. Quy định nào để một doanh nghiệp được gắn nhãn Made in Vietnam?
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!