Theo thống kê của The Guardian, mỗi người trung bình dành 3 giờ 15 phút cho điện thoại. Có đến 20% người dùng điện thoại thông minh lướt màn hình hơn 4,5 tiếng/ngày. Hầu hết người dùng kiểm tra điện thoại của mình 58 lần trong 1 ngày. Riêng với người trẻ, trung bình họ kiểm tra điện thoại 200 lần/ngày, nghĩa là cứ mỗi 6,5 phút họ lại phải cầm điện thoại một lần để kiểm tra mạng xã hội hay nhắn tin.
Việc người trẻ bỏ nhiều thời gian cho điện thoại là một trong những lý do mà Instagram vừa có chính sách mới hạn chế các nội dung quảng cáo giảm cân hay phẫu thuật thẩm mỹ cho thanh thiếu niên. Sự thay đổi của Instagram nhằm giúp mạng xã hội này trở nên tích cực và giảm bớt những áp lực liên quan tới vẻ bề ngoài với người dùng dưới 18 tuổi. Theo nghiên cứu, tình trạng lạm dụng mạng xã hội có thể khiến người dùng trở nên tự ti hơn với hình thể của mình, thậm chí gây ra bệnh trầm cảm. Với Instagarm hay các mạng xã hội tương tự khác, trầm cảm là một trong số các triệu chứng mà người dùng có thể đối mặt. Do đó, để tâm trạng tốt hơn, điều nên làm là "detox" công nghệ hay "giải độc", "thanh lọc" công nghệ.
Không thể phủ nhận công nghệ đã mang lại những lợi ích cực kỳ to lớn cho giáo dục và việc kết nối con người. Tuy nhiên, nếu để cho công nghệ kiểm soát, thậm chí tạo ra những tác động tiêu cực tới tinh thần của bản thân, đã tới lúc chúng ta học cách cân bằng mọi thứ và giành lại quyền điều hành chính cuộc sống của mình bằng cách "thanh lọc" công nghệ. Xu hướng này đã xuất hiện tại triển lãm điện tử tiêu dùng lớn nhất thế giới CES 2019 ở Mỹ. Các hãng công nghệ đã giới thiệu những sản phẩm giúp người dùng bớt lệ thuộc vào công nghệ.
"Detox" công nghệ hay "thanh lọc" công nghệ không chỉ được trưng bày tại triển lãm mà đã được áp dụng trong cuộc sống hàng ngày. Tại Anh, trào lưu "detox" công nghệ đang thịnh hành. Còn ở Mỹ, nhiều nơi còn có phần thưởng để khuyến khích khách hàng giảm lệ thuộc vào thiết bị công nghệ. Tại nhiều nhà hàng và khách sạn, nhiều ưu đãi đã được đưa ra như giảm 20% hóa đơn cho những người không sử dụng các thiết bị thông minh khi đến ăn uống tại đây.
Chúng ta đã để thiết bị công nghệ thông minh, cụ thể là điện thoại thông minh, đi quá xa và lấn quá sâu vào cuộc sống, để giờ đây việc ngừng sử dụng điện thoại thông minh dường như trở nên bất khả thi. Tuy nhiên, không gì là không thể nếu quyết tâm. Bật điện thoại, kết nối Internet nhưng lại mất đi kết nối với những người xung quanh, các mối quan hệ thật trở nên nhạt nhòa và tan biến, có lẽ đây là điều mà không ai muốn. Hãy làm hết sức có thể, rời bỏ thiết bị công nghệ triệt để nhằm lắng nghe bản thân và những người quanh ta!
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!