Trong thời gian qua, các thị trường nhập khẩu đã liên tục cảnh bảo đến vấn đề trên. Nghiêm trọng hơn, nhiều nước còn siết chặt, tiến tới không nhập khẩu tôm có hóa chất, kháng sinh. Do vậy, việc tìm ra giải pháp để sản xuất tôm không có hóa chất, kháng sinh là yêu cầu cấp bách đối với ngành hàng này.
Các nhà máy chế biến thủy sản tại ĐBSCL cho biết, hiện nhiều nhà nhập khẩu tôm trên thế giới đang kiểm soát rất nghiêm ngặt vấn đề hóa chất, kháng sinh tồn dư trong sản phẩm. Từ khuyến nghị, cảnh báo, nay các thị trường chuyển sang kiên quyết loại bỏ những mặt hàng có tồn dư hóa chất, kháng sinh.
Là đơn vị tiên phong trong sản xuất tôm sạch, đại diện Tập đoàn Việt Úc cho biết, để không sử dụng hóa chất, kháng sinh, tôm nuôi phải khỏe mạnh, sạch bệnh. Muốn vậy, người nuôi tôm cần chọn cho được nguồn giống chất lượng cao, tiếp theo là xây dựng các ao nuôi thật an toàn, trong đó việc ứng dụng công nghệ nhà màng là một giải pháp hữu hiệu.
Còn ở khâu nuôi, nhiều ý kiến cho rằng giữ sạch môi trường nước là giải pháp tốt nhất bảo vệ tôm nuôi không mắc phải các mầm bệnh. Khi đó, người nuôi tôm cũng không cần đến hóa chất, kháng sinh.
Trên thực tế, việc áp dụng đồng bộ các giải pháp nói trên đã chứng minh hiệu quả ở từng vùng nuôi. Không chỉ tăng năng suất, chất lượng tôm nuôi, giảm chi phí giá thành, gia tăng lợi nhuận cho người nuôi tôm, cách làm không sử dụng hóa chất kháng sinh còn là hướng đi bền vững cho ngành tôm Việt Nam.
Việc nói không với hóa chất, kháng sinh trong nuôi tôm là hành đồng tích cực để chung tay bảo vệ môi trường. Do vậy, rất cần sự lan tỏ, nhân rộng mạnh mẽ hơn những cách làm hiệu quả nói trên đến với người nuôi tôm cả nước. Đây là một trong những giải pháp giúp ngành tôm nước ta phát triển theo quỹ đạo bền vững thật sự, từ đó góp phần nâng cao chất lượng, hình ảnh cũng như tính cạnh tranh sản phẩm khi tham gia xuất khẩu.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!