Giảm thiểu thiệt hại do sạt lở tại ĐBSCL

Quốc Minh (VTV9)Cập nhật 14:48 ngày 16/07/2019

VTV.vn - Hiện Đồng bằng sông Cửu Long đang ở mùa mưa. Những cơn mưa kéo dài khiến đất đai ngấm nước làm cho sạt lở bờ sông diễn ra dữ dội hơn.

Có rất nhiều nguyên nhân sạt lở bờ sông như khai thác cát hoặc do người dân có tập quán cất nhà ven sông, rạch cũng là nguyên chính gây ra sạt lở rộng khắp các tỉnh ở trong vùng.

Phần lớn những vụ sạt lở ở ĐBSCL đều ảnh hưởng đến nhà ở của dân cư. Theo các nhà chuyên môn thì do xây cất ven sông qua thời gian cùng với dòng nước chảy xiết nên không đủ lực chịu đựng gây ra sạt lở. Tài sản, nhà cửa bị nhấn chìm, thiệt hại không nhỏ đối với người dân. Mỗi năm 13 tỉnh, thành ở Đồng bằng sông Cửu Long mất từ 300 - 500 ha đất và hàng chục ngàn hộ dân phải di dời khỏi vùng nguy hiểm do sạt lở.

Sống ở những khu vực có biển cảnh báo sạt lở chưa bao giờ là an toàn với người dân vùng đồng bằng sông Cửu Long. Người ta vẫn nói với nhau rằng, sống ở gần miệng hà bá chẳng có gì là chắc chắn, chỉ chắc chắn một điều là sớm muộn gì cũng lở. Tình trạng sạt lở bờ sông ở đồng bằng sông Cửu Long là vậy, bất thường và ngày càng phức tạp. Thế nhưng, vẫn có cách để người dân giảm thiểu thiệt hại do sạt lở chứ không phải là hoàn toàn chịu thua. Câu chuyện ở vụ sạt lở mới đây tại tỉnh Đồng Tháp cho thấy việc chủ động ứng phó là quan trọng đến mức nào. Tuy xảy ra vào giờ ngủ, nhưng không có ai bị thương vì đã sơ tán và dọn gần hết đồ đạc từ trước. 7 căn nhà lân cận cũng nhanh chóng được di dời khẩn cấp, chủ động ngăn ngừa thiệt hại.

Toàn tỉnh Đồng Tháp có 85 điểm sạt lở nằm dọc theo bờ sông Tiền và sông Hậu. Vận động người dân chủ động di dời đến nơi an toàn là giải pháp được ưu tiên.

Ông Võ Thành Ngoan, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Đồng Tháp cho biết: "Số người dân nằm trong vành đai sạt lở của Đồng Tháp là hơn 6.000 người. Địa phương cũng có những giải pháp. Những người nào có điều kiện kinh tế khá thì dời vô bên trong, nhà người thân hoặc mua đất gì đó thì đi khỏi vành đai cặp mé sông. Những hộ khó khăn thì xây dựng cụm tuyến dân cư".

Trên thực tế, việc vận động người dân di dời không phải lúc nào cũng thuận lợi vì nhiều hộ có hoàn cảnh khó khăn, sinh kế phụ thuộc vào sông nước. Thế nhưng, một khi sạt lở xảy ra thì cũng chẳng ai giữ lại được gì nếu không chủ động di dời./.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Giữ đam mê chế tác đàn ghi ta ở phố biển

VTV.vn - Cây đàn ghi ta, tiếng đàn ghi ta- có lẽ đã quá quen thuộc với mọi người. Nhưng, không phải ai cũng tận mắt nhìn thấy đàn ghi ta được làm ra như thế nào.