Lượng mưa hơn 400mm, mức kỷ lục trong vòng 40 năm qua, và kéo dài trong nhiều giờ đã khiến cho con đường D1 (quận Bình Thạnh, TP.HCM) trở thành 1 trong 60 điểm ngập nặng của TP.HCM trong cơn bão số 9 hồi tháng 11/2018. Mưa đã dứt từ 3 - 4 giờ trước nhưng mức nước ngập không có dấu hiệu giảm đi. Và thủ phạm gây ra tình trạng ngập nước kéo dài này đã bị chỉ đích danh, đó là rác.
Khi đã "bắt đúng bệnh, dùng đúng thuốc", chỉ sau chưa đầy 1 giờ được giải cứu, các hố thu nước đã hoàn thành nhiệm vụ, trả lại cho con đường D1 đúng chức năng vốn có của nó. Tuy nhiên, không ai dám chắc "lịch sử" sẽ không lặp lại.
Rác không chỉ là vấn nạn với hơn 4.100km đường cống thoát nước đô thị TP.HCM mà còn là nguy cơ đe dọa lớn nhất cho hệ thống 2.900 kênh rạch, những nơi có khả năng thoát nước với lưu lượng lớn của thành phố. Trong nhiều năm nay, TP.HCM đã phải đối đầu căng thẳng với vấn đề này.
Mỗi năm TP.HCM tiêu tốn hơn 4.000 tỷ đồng cho việc dọn rác, khơi thông dòng chảy trên cống và kênh rạch. Tuy nhiên, dù tiền được đổ vào, rác vẫn cứ ngập lòng cống, lòng kênh vì 1 người dọn lại có tới 3 người vứt rác. Vòng luẩn quẩn của rác vẫn sẽ mãi đè nặng lên chính đời sống đô thị TP.HCM.
Đây không phải là lần đầu tiên TP.HCM có cuộc vận động không xả rác xuống kênh rạch và nơi công cộng. Tuy nhiên, năm 2019, công tác này càng đặc biệt có ý nghĩa khi các giải pháp công trình để giảm ngập trong mùa mưa năm nay đang trong quá trình thực hiện. Giải pháp phi công trình không tốn kém, mang lại hiệu quả ngay lập tức này cần phải trở thành một thói quen tốt, một hành động tốt của mỗi người dân TP.HCM.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!