Nơi neo đậu chật hẹp, luồng lạch ra vào cạn là thực trạng chung của hầu hết các cảng biển ở miền Trung hiện nay. Nguyên nhân, một phần là do kết cấu địa chất ở các cảng cá không ổn định, rất dễ bị bồi lấp hoặc sạt lở bởi triều cường. Một nguyên do khác, những cảng biển này đã được đầu tư từ hai mươi năm đến ba mươi năm trước, nhưng chưa được nâng cấp, sửa chữa. Trong khi đó, chỉ năm năm trở lại đây, khi thực hiện Nghị định 67 của Chính phủ, công suất và kích cỡ tàu thuyền đã tăng lên gấp đôi, thậm chí là gấp 3 lần. Do vậy, tình trạng quá tải ở các cảng cá ven bờ là điều khó tránh khỏi.
Để các cảng biển, đặc biệt là các cảng cá, hoạt động hiệu quả cũng như đáp ứng các yêu cầu theo khuyến nghị của Ủy ban Châu Âu, yêu cầu đặt ra là quy hoạch cảng biển có tầm nhìn chiến lược, khoa học và đầu tư lớn.
Đối với tỉnh Khánh Hòa, nơi được thiên nhiên ban tặng nhiều vũng, vịnh đẹp, chiến lược phát triển kinh tế biển của địa phương chú trọng phát triển đội tàu công suất lớn để đánh bắt xa bờ; vùng ven bờ thì khoanh nuôi kết hợp với phát triển du lịch biển. Cảng cá, cảng cho du lịch và cảng dành cho tàu hàng siêu trường siêu trọng cũng có sự tách biệt. Quy hoạch bến bãi, cảng biển mang tính chiến lược, lâu dài cũng chính là định hướng trong quy hoạch phát triển nghề cá của Việt Nam hiện nay.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!