Tại Liên hoan phim Busan, một trong những liên hoan phim quốc tế quan trọng, phim Ròm của đạo diễn Trần Thanh Huy cùng một bộ phim khác tới từ Iraq đã đồng đoạt giải New Currents Award. Hai bộ phim đã vượt qua 299 phim đến từ 85 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới để nhận giải thưởng tương đương giải phim hay nhất, cũng là giải thưởng cao nhất tại liên hoan phim này.
Thông tin vừa được đăng tải, ngay hôm sau Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã quyết định xử phạt Công ty Cổ phần Sản xuất phim Hoan Khuê (nhà sản xuất phim Ròm) 40 triệu đồng vì gửi phim tham dự Liên hoan phim quốc tế Busan khi chưa được cấp phép. Vậy là một sự việc hy hữu đã xảy đến với điện ảnh Việt Nam - phim đoạt giải tại liên hoan phim quốc tế nhưng nhà sản xuất trong nước lại bị phạt.
Cùng lúc đó, một bộ phim khác của nước ngoài dù chứa đựng những thông tin xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của đất nước lại "lọt lưới" kiểm duyệt và được chiếu trong suốt 10 ngày tại các rạp trên cả nước mới bị phát hiện. Sau đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có văn bản chỉ đạo Cục Điện ảnh kiểm điểm sai sót của cá nhân, tập thể liên quan trong quá trình thẩm định bộ phim Everest - Người tuyết bé nhỏ. Sự việc này đã gây ra tranh cãi trong các nhà làm phim về vấn đề kiểm duyệt.
Điều 39 Luật Điện ảnh 2006 quy định Hội đồng duyệt phim quốc gia có khoảng từ 9 - 11 người. Hiện các thành viên của hội đồng nằm trong độ tuổi từ 50 - 60 tuổi. Theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, mỗi năm Việt Nam nhập khẩu khoảng 200 phim nước ngoài và sản xuất trung bình khoảng 40 phim. Để phim ra rạp, Hội đồng duyệt phim quốc gia phải kiểm duyệt tất cả các phim trước khi quyết định cấp phép. Để kịp tiến độ, có thời điểm mỗi ngày hội đồng phải xem 2 phim liên tiếp. Đối với mỗi buổi làm việc, thù lao thành viên nhận được chỉ là 150.000 đồng/người, ngoài ra không còn chế độ nào khác. Vì vậy, việc "căng tai, căng mắt" và căng thẳng thần kinh vì áp lực là chuyện thường ngày của công việc này.
Thời gian dự kiến trình thông qua Luật Điện ảnh là năm 2021. Vì vậy, chỉ còn thời gian rất ngắn để có thể đưa ra những kiến nghị thay đổi cho việc thẩm định, kiểm duyệt phim và cấp giấy phép phim. Đây là lúc cần có nhiều đối thoại hơn nữa giữa Cục Điện ảnh và các nhà làm phim để có thể tháo gỡ những khúc mắc, giúp cho điện ảnh Việt Nam được phát triển mạnh mẽ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!