Khi tàu cá trở về sau chuyến biển, cá được bốc dỡ và bán cho các chủ vựa. Sản lượng cá chính xác là bao nhiêu, thu nhập cao hay thấp chỉ có chủ tàu cá mới biết được. Các ngân hàng thương mại thực hiện gói tín dụng cho ngư dân vay vốn đóng tàu cá theo Nghị định 67 rất cần được biết tình hình hoạt động của các tàu cá này, nhưng đây thực sự là điều không dễ dàng.
Theo các ngân hàng, không thể không loại trừ tâm lý xem vốn vay Nghị định 67 như là dạng cấp phát, dẫn đến hiện tượng chây ì trả nợ, làm gia tăng nợ xấu. Vì lý do này, trong năm 2019, nhiều ngân hàng buộc phải áp dụng xử lý tài sản theo quy định thông qua khởi kiện chủ tàu cá tại tòa án. Việc khởi kiện chủ tàu cá được cho là biện pháp cuối cùng bởi quá trình khởi kiện phát sinh chi phí. Bên cạnh đó, nếu thu giữ tàu cá thì cũng khó phát mãi để thu hồi vốn. Vì vậy, vào lúc này, nhiều địa phương đề xuất giải pháp giãn nợ, chuyển đổi tàu cho người khác để giảm nguy cơ gia tăng nợ xấu.
Bên cạnh việc tạo điều kiện để các chủ tàu gặp khó khăn có thể tiếp tục khai thác và trả nợ, cơ quan quản lý sẽ kiên quyết xử lý theo quy định pháp luật đối với những chủ tàu cá cố tình chây ì. Để làm được việc này, điều quan trọng vẫn là sự phối hợp giữa các ngành chức năng với ngân hàng trong việc đánh giá chính xác hiệu quả hoạt động của từng tàu cá đóng theo Nghị định 67.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!