Sông Đa Nhim đoạn chảy qua Đức Trọng có khoảng 20 con khe, suối chảy từ các xã, thị trấn đổ ra lòng sông. Thời gian gần đây, tình trạng xả rác ra sông suối đang khá phổ biến, trong đó nghiêm trọng nhất các đoạn sông chảy qua khu vực đông dân cư sinh sống. Là một hộ dân sống ngay cạnh bờ sông, hàng ngày bà Mai Thị Thúy, thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng đều chứng kiến cảnh những bao rác thải sinh hoạt, rác sản xuất thậm chí cả xác heo chết và nước thải không qua sinh hoạt được xả thẳng xuống sông hay chất đống ven bờ chờ nước cuốn đi xuống các vùng hạ lưu sông. Việc xâm hại môi trường nước này đã gây ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống và sức khỏe của bà và các hộ xung quanh.
Hiện nay, hành vi vứt, thải, bỏ rác thải sinh hoạt không đúng nơi quy định nơi công cộng sẽ bị phạt tiền từ 3-5 triệu đồng. Hành vi vứt, thải rác thải sinh hoạt trên vỉa hè, đường phố hoặc vào hệ thống thoát nước thải đô thị hoặc hệ thống thoát nước mặt trong khu vực đô thị thì bị phạt tiền từ 5-7 triệu đồng. Mức răn đe của chế tài xử phạt này tuy cao nhưng lực lượng xử phạt chuyên trách quá mỏng, không thể giám sát theo từng đoạn sông suối để xử phạt. Trong khi đó, người dân chưa ý thức được tầm quan trọng của nước sạch cũng như vai trò và trách nhiệm của mỗi cá nhân, đơn vị trong việc bảo vệ môi trường, đặc biệt là bảo vệ môi trường nước.
Ô nhiễm sông suối không chỉ gây ảnh hưởng đến sức khỏe của những hộ dân sống xung quanh vùng bị ô nhiễm mà còn phá hủy hệ sinh thái ở đây. Các chất độc hại trong rác thải có thể ngấm vào nguồn nước ngầm, gây ô nhiễm nước ngầm. Không chỉ vậy, rác thải trôi theo dòng nước sẽ gây tắc ở các cống thoát nước, kênh rạch gây ra hiện tượng ngập cục bộ. Giải pháp khắc phục tình trạng này bắt đầu trong sự thay đổi về ý thức của mỗi người trong việc thu gom và xử lý rác thải đúng nơi quy định, không chỉ để xử lý việc ô nhiễm nguồn nước và còn nhằm bảo vệ môi trường sống. Chính vì vậy, công tác tuyên truyền về bảo vệ môi trường được các cấp đoàn thể chính trị, xã hội cơ sở thực hiện quyết liệt, lồng ghép trong nhiều mô hình phát triển sản xuất tại địa phương trong tỉnh.
Ngoài ra, người dân cũng nên có ý thức trách nhiệm trong việc giám sát, tố cáo các hành vi hủy hoại môi trường đến các cấp chính quyền, các ngành chức năng nhằm ngăn chặn kịp thời hành vi này. Bên cạnh việc để ra các giải pháp xử lý vi phạm như lắp camera, cử đội tuần tra các khu vực tập trung xả rác không đúng nơi quy định thì chính quyền các cấp và Sở Tài nguyên và môi trường tỉnh cùng phối hợp với các nhà khoa học trong việc tìm kiếm giải pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm nước một cách nhanh nhất, đồng thời xây dựng cơ chế, hoàn thiện các trang thiết bị xử lý rác thải, xử lý nước tại sông suối đang bị ô nhiễm.
Ngày nước sạch thế giới năm 2019 đã đề ra mục tiêu Nước cho tất cả mọi người, đặc biệt mục tiêu nước sạch và hợp vệ sinh được nhấn mạnh và chú trọng, vì nước sạch là nền tảng của sức khỏe cộng đồng. Thế nhưng, đứng trước thực tế rằng nguồn nước sông suối hiện nay đang bị ô nhiễm, tỷ lệ người dân mắc bệnh từ nước thiếu vệ sinh ngày một tăng thì mỗi người trong chúng ta cần phải hành động ngay trong việc bảo vệ tài nguyên nước đang dần cạn kiệt trước những thách thức phát triển của kinh tế - xã hội./.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!