Năm 1962 tại chùa Xá Lợi, đoàn sinh viên phật tử Sài Gòn đã thành kính thực hiện nghi thức cài hoa hồng lên áo. Đây là nghi thức bông hồng cài áo đầu tiên được diễn ra, khởi nguồn từ đoản văn “Bông hồng cài áo" của thiền sư Thích Nhất Hạnh. Kể từ đó, nghi thức Bông hồng cài áo đã trở thành một phần không thể thiếu của mọi người mỗi khi bước vào những ngày tháng Bảy âm lịch.
Một bông hoa đỏ cho những ai may mắn còn cha mẹ. Bông hoa hồng cho những ai chỉ còn đơn đấng sinh thành và bông hoa trắng cho những ai không còn cha mẹ. Cài lên ngực một bông hoa và tưởng nhớ công ơn sinh thành, dưỡng dục. Cha mẹ như suối ngọt, như đường mía lau, như xôi nếp một, là món quà mà mỗi người được nhận.
Mỗi người sẽ có một cách thể hiện sự hiếu thuận của mình với cha mẹ. Những hiếu không ở mâm cao cỗ đầy, hương hoa trà quả dâng lên mỗi dịp lễ Vu Lan. Bởi như thiền sư Thích Nhất Hạnh đã nói, hiếu thì cũng do tình thương mà có; nếu không có tình thương, chữ hiếu chỉ là giả tạo, khó khăn, vụng về, cố gắng mệt nhọc. Chỉ cần có tình thương là đã đủ ấm đầy cho một mùa Vu Lan hiếu hạnh an vui.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!