Nam Trung Bộ ứng phó với khô hạn lịch sử

Văn Giang, Thanh Tân (VTV9)Cập nhật 09:29 ngày 18/05/2020

VTV.vn - Mới đây, tỉnh Ninh Thuận đã ra quyết định công bố cấp độ rủi ro thiên tai do hạn hạn hán ở cấp độ 3 và 4.

Nhiều vùng của 2 tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận không còn nước cho sản xuất, chăn nuôi và các mục tiêu dân sinh khác. Để có nước, người dân phải mua với giá từ 80 đến 120 ngàn đồng/m3. Cùng với công bố tình huống khẩn cấp do khô hạn gây ra, chính quyền và người dân ở vùng cực Nam Trung Bộ này sẽ ứng phó với thiên tai hạn hán như thế nào để giảm thiệt hại?

Năm 2016, tỉnh Bình Thuận cũng đã công bố khô hạn, nhưng diễn biến của khô hạn năm nay còn khốc liệt hơn, bởi tổng lượng nước ở các hồ chứa thời điểm này chỉ còn 12,3 triệu m3/259,3 triệu m3, tương ứng 4,7% dung tích. Năm hạn nặng, 2016 lượng nước còn là 28%. Mới đây, tỉnh Ninh Thuận, cũng đã ra quyết định công bố cấp độ rủi ro thiên tai do hạn hạn hán ở cấp độ 3. Riêng 2 huyện Thuận Nam và huyện Thuận Bắc, cấp độ rủi ro, cấp 4, đây là cấp độ cao nhất của loại hình thiên tai do hạn hán gây ra.

Khô hạn thiếu nước tưới khiến hàng chục ngàn héc ta đất lúa, đất hoa màu phải ngưng sản xuất. Để ứng phó với kiểu thời tiết ngày càng khắc nghiệt này, thì chuyển đổi cây trồng từ đất lúa kém hiệu quả sang cây trồng cạn có hiệu lợi thế so sánh cao hơn, ít tiêu tốn nước hơn là cách mà nhiều địa phương thực hiện. Tại tỉnh Bình Thuận, hàng ngàn héc ta đất lúa đã được người dân chuyển đổi sang cây trồng lâu năm là cây thanh long. Nhưng, mùa khô năm nay, cây trồng có giá trị kinh tế cao này cũng bị thiệt hại nặng nề. Suốt 3 tháng nay, khi hồ Ba Bàu ở xã Tân Lập, huyện Hàm Thuận Nam, cạn trơ đáy, những chiếc xe tải chở nước hoạt động hết công suất. Những hộ gần đường, xe vào được thì còn mua nước để tưới, giữ ẩm cho cây thanh long. Những hộ ở xa và nhất là không còn tiền thì để mặc cho vườn thanh long héo úa, chết dần.

Chuyển đổi sang cây trồng cạn và áp dụng biện pháp tưới tiết kiệm để giảm lượng nước sử dụng, là cách sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu. Nhưng đợt hạn nặng mang tính lịch sử này, giải pháp chuyển đổi cây trồng cũng chỉ giảm thiểu được thiệt hại. Khoan đào giếng, thì giếng bị nhiễm phèn, nhiễm mặn, tưới không hiệu quả. Với 2 tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận nơi có lượng mưa trung bình năm thấp nhất cả nước, nhưng nếu có giải pháp để dự trữ tối đa lượng nước mưa  thì không chỉ đảm bảo cho sinh hoạt, cho sản xuất mà còn cho các mục tiêu phát triển khác. Một trong những giải pháp đó là xây dựng hồ dung tích lớn để trữ nước.

Chính vì vậy, việc đầu tư các công trình thủy lợi có dung tích lớn để tận dụng nguồn nước từ Tây Nguyên đổ về để góp phần cắt lũ trong mùa mưa và chống hạn cho mùa khô ở vùng hạ du là hết sức quan trọng. Trên thực tế có nhiều hồ chứa đã, đang và tiếp tục được xây dựng. Vấn đề lúc này những dự án đang triển khai cần đẩy nhanh tiến độ để giảm thiệt hại cho người dân./.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Giữ đam mê chế tác đàn ghi ta ở phố biển

VTV.vn - Cây đàn ghi ta, tiếng đàn ghi ta- có lẽ đã quá quen thuộc với mọi người. Nhưng, không phải ai cũng tận mắt nhìn thấy đàn ghi ta được làm ra như thế nào.