Tìn trạng khô hạn và mặn xâm nhập đã kéo dài hơn 3 tháng qua tại ĐBSCL và dự báo sẽ còn dai dẳng đến hết tháng 4, thậm chí là lâu hơn. Ngay giữa vùng sông rạch chằng chịt người dân lại bị thiếu nước, nghịch lý này là thực tế đang diễn ra tại ĐBSCL, đặc biệt ở vùng ngọt hóa Gò Công, tỉnh Tiền Giang. Người dân sống trong vùng ngọt hóa có diện tích khoảng 44.000ha này đang chật vật từng ngày để có đủ nước ngọt cho những vườn cây, ruộng rẫy và vật nuôi của mình. Khó khăn là rất nhiều nhưng bà con ở đây vẫn có những cách để vượt khó và duy trì sự sống. Không chịu buông xuôi vì cuộc sống vẫn phải tiếp diễn, những người dân ở đây luôn tin thời tiết khó khăn rồi sẽ qua và chẳng bao lâu nữa sông cạn sẽ lại thành dòng.
Ở nơi điều kiện sống rất khó khăn này, sức sống của người dân càng mãnh liệt. Dù nắng hạn là gay gắt chưa từng thấy, mặn xâm nhập sâu đến những nơi chưa từng có, nhưng thiên tai là chuyện của tự nhiên, còn việc lựa chọn thái độ thế nào để đối mặt và chọn cách gì để thích ứng là quyết định của con người.
Trong vùng ngọt hóa Gò Công, trong khi cả nghìn ha lúa Đông Xuân muộn bị giảm năng suất vì thiếu nước, ở nhiều nơi nông dân vẫn có thu nhập nhờ rau màu. Giảm lúa để trồng màu hoặc các loại cây trồng khác là bước chuyển hướng hiệu quả, giúp nông dân giảm nguy cơ thiệt hại trong hạn mặn. Đây cũng là điều đang được ngành nông nghiệp nhiều địa phương ở ĐBSCL khuyến khích với diện tích chuyển đổi lên đến hàng chục nghìn ha, kể cả ở những nơi được xem là rốn lũ như tỉnh Đồng Tháp. Không chỉ thích ứng với hạn mặn bằng những loại cây trồng phù hợp, nhiều nông dân đồng bằng còn mạnh dạn coi nước mặn là tài nguyên để gia tăng thu nhập. Mô hình một vụ lúa - một vụ tôm với tổng diện tích khoảng 180.000ha trên toàn vùng ĐBSCL là một ví dụ.
Chủ động ứng phó và áp dụng nhiều phương thức sản xuất bền vững, nông dân ĐBSCL đang dần hạn chế được thiệt hại, ngày càng gia tăng sức chống chịu trước những tác động bất lợi của thiên nhiên. Thiệt hại nhỏ trong mùa hạn mặn năm nay so với những tổn thất nặng nề của năm 2016 đã phần nào khẳng định điều đó. Không nản lòng là sức mạnh ý chí của hàng triệu nông dân ĐBSCL trước thử thách khắc nghiệt của thiên nhiên trong mùa hạn mặn này. Khi ý chí đã bền, người dân luôn tin rằng mùa hạn mặn này sẽ qua, ĐBSCL tiếp tục con đường phát triển bền vững.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!